Bọ cánh cứng nhiều hơn khiến lượng cây vân sam ít đi ở Alaska, san hô bị tẩy trắng khiến du khách mê lặn ít xuất hiện hơn ở Florida, và cháy rừng nhiều hơn ở Arizona là "sản phẩm mà sự thay đổi khí hậu tạo ra cả dưới nước lẫn trên cạn ở Mỹ".
Thế nhưng các cơ quan liên bang, quản lý hơn 242,8 triệu héc-ta diện tích đất của liên bang, gần 30% diện tích đất của toàn nước Mỹ, và hơn 388.500km2 diện tích những vùng biển được bảo vệ, lại hầu như không có sự chỉ đạo về cách thức đối phó trước những tác động từ sự ấm lên của trái đất. Cảnh báo đáng ngại này được đưa ra trong một báo cáo do Cơ quan Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) trực thuộc Quốc hội Mỹ công bố ngày 06/09.
Sau khi thảo luận với các nhà khoa học, nhà kinh tế, lãnh đạo phụ trách tài nguyên của liên bang, và tiến hành khảo sát bốn khu vực có hệ sinh thái điển hình, các tác giả của báo cáo đưa ra những đánh giá sau: “Tại Florida Keys, sự gia tăng mực nước biển đã gây ảnh hưởng tới các khu vực duyên hải, trong khi tình trạng đất ngập mặn làm giảm nguồn nước sạch và nơi cư trú của các loài động thực vật sinh sống tại đây. Trong tương lai, sự ấm lên của trái đất cũng có thể cản trở hoạt động đánh bắt cá và du lịch tại hệ sinh thái này, vì nước biển ấm hơn sẽ làm bong tảo biển bám trên san hô vốn là nguồn thức ăn nuôi sống cá và là cảnh quang hấp dẫn những du khách mê lặn.
Tại rừng Quốc gia Chugach thuộc bang Alaska, nhiệt độ ấm lên và lượng tuyết giảm do sự biến đổi khí hậu đã góp phần làm sinh sôi côn trùng, chẳng hạn như bọ cánh cứng đã làm chết một số loại cây vân sam trên diện tích 161.900 héc-ta của khu rừng này.
Tại Montana, những sông băng vốn là niềm tự hào của Khu sông băng quốc gia đang dần biến mất, chỉ còn 26 sông so với con số 150 vào năm 1950.
Sa mạc Mojave của bang Arizona đang phải hứng chịu những trận cháy rừng dữ dội hơn một phần do sự biến đổi khí hậu, vì nạn hạn hán phá hủy thực vật và thay vào đó kích thích sự xâm lấn của cỏ, khiến lửa dễ bắt hơn và khó dập tắt hơn”…