TP. HCM với quy mô dân số gần 8 triệu dân (kể cả dân nhập cư, tạm trú) đang có kế hoạch nâng tầm thành siêu đô thị. Nhưng buồn một nỗi, siêu đô thị tương lai đang bị… siêu ô nhiễm!
Khói xe
Theo ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM: Tại TP.HCM có đến 50-60% mô tô, xe máy đang lưu hành không đạt yêu cầu về khí thải. Số liệu do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp, năm 2006, cứ 2 người Sài Gòn thì có 1 chiếc xe máy, như vậy TP.HCM có khoảng 3,5 triệu xe máy; gần 2 triệu chiếc trong số đó đang thải lượng khí thải vượt mức cho phép.
Đây chính là tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Hàng loạt chất độc hại như CO, benzen, các hợp chất hữu cơ… đang từng phút, từng giờ được thải ra không khí, nhất là ở những tụ điểm tắc nghẽn giao thông.
Chi cục Bảo vệ Môi trường TP cho biết, các ngã tư đông xe ở thành phố đều có nồng độ bụi và benzen vượt chuẩn cho phép từ 100-200%. Trong khi đó, theo thông báo từ Tổng cục Thống kê, lượng xe máy đang có xu hướng tăng mạnh trong năm nay.
Bụi công trường
Ở TP.HCM, các trạm quan trắc đo nồng độ bụi chỉ được đặt ở các nút giao thông mà chỉ số nồng độ bụi đo được đã lên tới 0,57mg/m³, gấp đôi mức cho phép; chủ yếu là bụi lơ lửng, loại bụi người dân dễ hít vào nhất.
Nguồn gốc chủ yếu của bụi lơ lửng chính là các công trường xây dựng, mà tại đây lại “nổi tiếng” có nhiều công trường. Trong 6 tháng đầu năm 2007, có hàng trăm vụ các đơn vị thi công bị Sở Giao thông Công chính TP xử phạt do thi công cẩu thả, tái lập mặt đường nhếch nhác.
Chỉ riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đã có nhiều công trường quy mô lớn: Saigon Pearl, cầu Thủ Thiêm, chỉnh trang khu vực phường 22, gói thầu số 8 kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…. Và sắp tới là công trường sửa chữa cầu Văn Thánh 2.
Trên công trình lắp đặt đường ống dẫn nước ở xa lộ Hà Nội, phần đường dành cho xe 2, 3 bánh bị đất cát lấn chiếm gần một nửa. Con đường nối xa lộ Hà Nội với cảng Cát Lái thì nhầy nhụa, mỗi xe chở vật liệu xây dựng để lại một phần đất, cát khi đi qua những ổ gà rộng hàng mét…
Còn hàng trăm con đường ở TP.HCM đang chịu cảnh đào đắp khác nhau. Mỗi khi trời nắng, bùn đất khô lại, xe cộ chạy qua là bụi cuốn mịt mù.
“Giặc” âm thanh
Tiếng ồn cũng là một trong vô vàn nỗi khổ thời ô nhiễm mà người dân TP đang phải hứng chịu, đặc biệt ở các trục đường chính như Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Hà Nội…
Phổ biến nhất là tình trạng còi xe khách, xe tải xin đường trong nội thành. Do các loại xe lưu thông quá gần nhau, cường độ âm thanh của còi xe quá lớn, người điều khiển xe hai bánh dễ bị giật mình lạc tay lái, gây ra tai nạn và ách tắc giao thông.
Hậu quả nữa của tiếng ồn mà ít người nghĩ tới, đó là khả năng bị điếc hoàn toàn. Theo số liệu của bệnh viện Tai – Mũi – Họng TPHCM thì khả năng tiếp xúc với cường độ âm thanh thông thường của con người là từ 50-85 dB. Tiếng ồn từ 85-100 dB bắt đầu có hại cho tai (tai bị đau, sức nghe giảm dần). Cao hơn 120 dB có thể làm rách màng nhĩ. Trong khi đó, cường độ âm thanh của tiếng còi các loại xe tải, xe ben, xe khách là 90-150 dB.