Trung Quốc vừa mới công bố một kế hoạch đầy tham vọng về phát triển năng lượng tái tạo nhằm cắt giảm lượng phát xạ đioxit cacbon đang tăng lên ở nước này.
Kế hoạch này đã được công bố hôm 04/09 bởi cơ quan kiểm soát năng lượng của Trung Quốc, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC). “Chúng tôi biết rằng đây là nhiệm vụ to lớn (về năng lượng tái tạo) và đây cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi”, Chen Deming, Phó chủ tịch NDRC phát biểu trước báo giới.
Tổng đầu tư cần thiết để đáp ứng mục tiêu năm 2020 sẽ là hai nghìn tỷ NDT (133,3 tỷ USD), theo dự kiến trong kế hoạch. Trung Quốc có kế hoạch nâng sản lượng thủy điện hàng năm từ 170 triệu kW năm 2005 lên 300 triệu kW vào năm 2020. Họ còn muốn đẩy mạnh sản lượng ethanol sản xuất từ cây trồng từ chỗ đạt một triệu tấn lên 10 triệu tấn và làm tăng sản lượng phóng điện từ 1,3 triệu kW lên 30 triệu kW vào năm 2020.
Theo Chen Deming cho biết, năng lượng tái tạo hiện đang chiếm gần 8% nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc, trong khi than đá chiếm tới 70%, đây là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nặng và lượng phát thải đioxit cacbon cao.
Kế hoạch năng lượng tái tạo ước tính rằng, nếu các mục tiêu đề ra được đáp ứng, vào năm 2010 Trung Quốc sẽ làm giảm được 600 triệu tấn đioxit cacbon mỗi năm. Vào năm 2020, sự giảm bớt lượng phát xạ đioxit cacbon mỗi năm sẽ đạt 1,2 tỷ tấn.
Chen Ying, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc rất hoan nghênh kế hoạch này, nhưng bà cho biết, để làm giảm lượng phát xạ đioxit cacbon, thì việc cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng công nghiệp hiện nay sẽ là phương án tốt hơn về mặt tài chính. Và theo bà, bất cứ kế hoạch nào cũng cần cân nhắc đến dân nghèo nông thôn, tạo ra các nguồn năng lượng bền vững thay thế như bếp lò đun khí methan, tận dụng vật liệu thải nông nghiệp.