Xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) vốn “nổi tiếng” bởi chuyện đá đỏ ở những năm 90 thế kỷ trước. Người người từ khắp nơi kéo về tìm vận may đổi đời. Những nơi mà họ tìm tới có những cái tên nghe đến đã thấy “ấn tượng”: đồi Tỷ, đồi Triệu và cả… đồi Mồ Côi! Còn bây giờ, cả một khu vực thời chưa xa với đá đỏ, đất đỏ (và cả máu đỏ) đang được phủ lên một màu xanh của rừng, với ý thức và ý chí của con người bằng lao động chân chính đang dần khỏa lấp dần đi “quá khứ màu đỏ” ở vùng đất này.
Màu xanh phủ kín
Quả là khó khăn, vì những khu vực này vẫn còn “nhạy cảm”. Khi tôi muốn vào thăm đồi Tỷ và đồi Triệu, ông Kim Văn Duyên – Chủ tịch UBND xã Châu Bình – nhất quyết không đồng ý, mặc dù tôi đã đưa ra giấy tờ đầy đủ. Cuối cùng không còn cách nào khác tôi phải ngược đường 20km trở lại huyện xin ý kiến. Sau khi có ý kiến từ huyện, buổi chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Toan đưa tôi đi. Chúng tôi vào đồi Triệu thuộc bản Kẻ Khoang. Hóa ra đây cũng có cổng với dòng chữ “Khu vực cấm. Không phận sự miễn vào”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Phó Chủ tịch xã cười:”Của quí mà!”. Sau khi đi lòng vòng qua mấy nơi mới tìm được chủ nhân giữ chìa khóa để vào bên trong. Anh Toan cho biết khu vực đồi Triệu nay đã được khoán cho các hộ dân trồng cây công nghiệp và nông nghiệp, nhưng vì vẫn có nhiều đối tượng nhòm ngó, nhăm nhe vào đào tìm đá đỏ nên vẫn phải rào.
Bên trong, màu xanh đã được phủ lấp khá nhiều nhưng dấu tích những hoang tàn của một thời đào bới vẫn còn. Những hố, vực loang lổ vẫn chưa được san lấp hết. Anh Toan cho biết có những hố sâu từ 15m-20m, giờ các hộ dân đấu thầu tận dụng để thả cá. Anh nói nửa đùa nửa thật: “Không hiểu sao cá ở đây rất nhanh lớn và tươi ngon hơn những hồ ao khác. Không biết có phải nhờ chất đất chất đá từ sự đào bới không mệt mỏi của những người trước đây, hay là nhờ nhiều nguồn thức ăn từ cây cỏ…”.
Chúng tôi tiếp tục lên đường vào đồi Tỷ thuộc bản 34 và Quỳnh Hai. Đập vào mắt tôi, thật ấn tượng là một khu đồi đỏ au soi bóng bên hồ nước khá là… thơ mộng. Trên đường đi anh Toan cho biết khu vực đồi Tỷ hiện UBND tỉnh cấp phép cho một công ty vàng bạc đá quý ở Hà Nội tổ chức thăm dò.
Tiền sạch vẫn hơn
Trời mưa lớn nên chúng tôi không thể tiếp tục về ủy ban xã. Dọc quốc lộ 48, anh Toan dẫn tôi vào nhà anh Phan Bá Giang trú mưa. Anh Toan cho biết Giang quê ở Đô Lương, lên đây từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi mới lên, Giang là một lâm tặc “có số có má”, rồi đến năm 1991 khi rộ lên chuyện đá đỏ thì Giang cũng nổi tiếng là “đại ca” ở các bãi đá. Nổi tiếng giàu có cả vùng, Giang sinh ra nghiện cờ bạc, mà là nghiện nặng, đến nỗi cả cơ nghiệp bay biến. Sau này khi chính quyền ổn định được tình hình ở khu vực này, có chủ trưong giao đất, giao rừng cho hộ dân, Giang đứng ra xin đất trồng rừng. Đến nay, gia đình anh đã có trên 60ha rừng bạch đàn, keo lai…, mỗi năm thu nhập từ bán giống, bán cây không dưới trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Giang quay vào tôi gợi chuyện xưa, anh cười khà khà: “Kiếm tiền từ trồng rừng là tiền xanh, tiền sạch. Còn cái thời đá đỏ, đá trắng ấy…” – Giang bỏ lửng câu không nói.
Chuyện nhận đất trồng rừng trên vùng đá đỏ xưa kia không chỉ có Giang. Tháng 05/2006, có thêm 8 hộ dân trong xã đã đứng ra xin thuê đất khu vực đồi Triệu và được giao tổng diện tích đất là 100.355m2. Những đồi cây bạch đàn, ruộng mía, ao cá… dần hình thành. Ngoài việc phủ xanh đồi núi trọc, những hộ gia đình này còn góp phần bảo đảm sự ổn định về an ninh trật tự khu vực này – nơi mà không ít người vẫn đang nhòm ngó để hễ có cơ hội là lao vào “đào đất xây mộng”.
Trong tương lai không xa, “tiền xanh” sẽ được “hái” ra trên vùng đá đỏ.