"Siêu sai phạm" tại Vườn thú Hà Nội?

Dân phản ứng với các “siêu sai phạm” tại Vườn thú Hà Nội, cán bộ nhân viên tại đây cũng bức xúc – các nhà chức trách thì sao? Sau đây là những ghi nhận về thái độ rất rõ ràng, cương quyết của những người đứng đầu sở, ngành có trách nhiệm.

Hai đợt thanh kiểm tra cấp Thành phố “đích xác” tận nơi; hàng chục cuộc kiểm tra cấp phường, quận; nhiều cuộc họp, làm việc để ra kết luận; nửa năm ròng cả Thủ đô “quay” trong vòng xử lý triệt để nhà không phép – sai phép… nhưng các “trung tâm thương mại”, “tập đoàn ẩm thực” tại Vườn thú Hà Nội vẫn trên mức bình yên. Các tư thương đã ký được hợp đồng với lãnh đạo khu vườn này vẫn đang khẩn trương “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” Vườn thú Hà Nội.


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, vấn đề hiện tại của Vườn thú Hà Nội có thể “khoanh” thành 4 vi phạm chính: vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai (đây là vi phạm về luật, nghiêm trọng – nói sâu hơn là đã sử dụng đất sai hoàn toàn mục đích); vi phạm về trật tự xây dựng (sai Luật Xây dựng); vi phạm về nguyên tắc tài chínhlàm biến dạng, lệch lạc nhiệm vụ mà Thành phố đã giao cho công viên Thủ Lệ (gây bức xúc trong dư luận).

Sau đây là ý kiến của một số nhà lãnh đạo:

“Các công trình trái phép đều phải cưỡng chế dỡ bỏ!” 
(Ông Trần Trọng Dực – Chánh Thanh tra TP Hà Nội)
Có thể nói, đất tại Vườn thú đất quý. Nếu chúng ta không quản lý ngay từ bây giờ – bây giờ đã không làm được thì sau này có lẽ chúng ta sẽ mất chỗ vui chơi, mất điểm thăm quan này!
Tôi nghĩ rằng, Vườn thú Hà Nội cần nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng của Thành phố để xây dựng qui hoạch 1/500, trên cơ sở đó chỉnh trang công viên thật văn minh, hiện đại, phục vụ lợi ích lâu dài của cộng đồng.
Đồng thời, chúng tôi đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các việc làm sai trái của các đồng chí lãnh đạo Công ty, đã nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến ký kết các hợp đồng trái luật với nhiều tổ chức, cá nhân trên đất công Vườn thú.
Nhiều đối tác ký kết hợp đồng có ý kiến rằng đã phải đầu tư rất nhiều tiền vào đây nên đề nghị Thành phố cho lui thời gian tháo dỡ, tiếp tục kinh doanh để thu hồi vốn. Nếu hết hợp đồng, có những công trình sẽ tồn tại 25 năm, tức là gần bằng một đời cán bộ công nhân viên chúng ta làm việc!
Chính vì vậy, đến nay Vườn thú mới làm được một động thái là thông báo kết luận thanh tra và các ý kiến chỉ đạo của UBND TP với các đối tác, còn việc khắc phục tồn tại thì chưa làm được! Việc khắc phục hậu quả quá chậm trễ và thiếu quyết tâm.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Thành uỷ và UBND TP cần kiểm điểm, xử lý nghiêm, kiên quyết hủy tất cả các hợp đồng Công ty đã ký với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất trái pháp luật tại Vườn thú Hà Nội những năm qua. Các công trình trái phép tại Vườn thú Hà Nội đều phải cưỡng chế dỡ bỏ.
“Vi phạm Luật Đất đai – đầu tiên là phải trả lại nguyên trạng!”(Ông Vũ Văn Hậu – Giám đốc Sở TN,MT&NĐ Hà Nội)
Đây là vấn đề rất bức xúc vì chuyện đã xảy ra lâu, các giải pháp không khả thi, khi có chỉ đạo của cấp trên lại không giải quyết dứt điểm. Không chỉ dư luận mà ngay trong nội bộ Công ty TNHHNN một thành viên Vườn thú Hà Nội cũng rất bức xúc.
Việc thực hiện các chỉ đạo của Thành phố không những không kết quả mà sau đó Công ty lại gửi văn bản với ý là: Hiện chưa có qui hoạch nên tận dụng đất là cần thiết; không thể khẳng định là sử dụng đất không đúng mục đích được! Đã không khắc phục, lại còn tiếp diễn… nên lại tiếp tục gây bức xúc trong nội bộ Công ty và dư luận.
Tôi biết, Công ty cũng có tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nhưng giải pháp khả thi để khắc phục hậu quả là không có! Vậy nên, ngay cán bộ nhân viên trong Công ty cũng cho rằng “đánh trống bỏ dùi”. Tôi cũng biết, Công ty có mời các đơn vị đã ký hợp đồng đến làm việc nhưng họ cũng không đến đầy đủ để nghe thông báo, chứ chưa nói chuyện xử lý.
Trên địa bàn Thành phố hiện nay, một số cơ quan cũng có tình trạng thế này, tức là được Thành phố giao đất nhưng đã tùy tiện cho thuê lại thiếu căn cứ pháp lý. Việc này đồng thời vi phạm cả Luật Đất đai lẫn Luật Xây dựng, cùng nhiều vi phạm trượt dài khác… trong đó có việc thu – chi tài chính.
Tôi thấy Thanh tra kết luận những thu – chi chính thức đều được Vườn thú công khai và hạch toán, báo cáo… nhưng người dân lại nhìn vào những khoản thu – chi không chính thức và đây là một trong những nguyên nhân gây bức xúc. Hiện nay, Sở TN,MT&NĐ đang tham gia nhiều cuộc xử lý dạng này và kinh nghiệm là phải rất bài bản, quyết liệt mới giải quyết được! Theo tôi, cả cơ quan công an, tư pháp cũng cần vào cuộc và có bài xử lý cho từng trường hợp cụ thể, đặt tiến độ cụ thể và có “tổng tư lệnh” chủ trì.
Xử lý không cần chờ qui hoạch!” 
(Ông Tô Anh Tuấn – Giám đốc Sở Qui hoạch & Kiến trúc Hà Nội)
Công viên Thủ Lệ đã được xác định trong qui hoạch tổng thể từ rất lâu rồi, khoảng năm 70 – 80, qua lao động công ích hình thành nên. Sau qui hoạch tổng thể thì qui hoạch chi tiết quận Ba Đình cũng tiếp tục xác định cụ thể hơn chức năng công viên của khu này, với phạm vi và phân khu chức năng cơ bản. Trong đó, chức năng chính là công viên, trừ 2 điểm ở 2 góc (phía Daewoo và góc ngã tư Cầu Giấy – Bưởi) có chức năng dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động công viên.
Về qui hoạch chi tiết 1/500 sẽ lập cho Vườn thú Hà Nội, cần hiểu đây là công trình đơn chức năng, do một chủ sử dụng. Theo qui định, qui hoạch này phải do Cty TNHHNN một thành viên Vườn thú Hà Nội tự đứng ra tổ chức lập, cũng như qui hoạch chi tiết công viên Thống Nhất vậy! Sở Qui hoạch & Kiến trúc chỉ hướng dẫn, thẩm định.
Tuy nhiên, câu chuyện lập qui hoạch chi tiết cho Vườn thú này thật ra đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo đúng trình tự, muốn làm bất cứ cái gì trên phạm vi công viên này – cần lập qui hoạch, trình duyệt qui hoạch. Qui hoạch được duỵệt đó cho phép làm cái gì thì mới được làm cái đó, bao hàm những nội dung gì thì mới được lập dự án theo nội dung đó! Không thể dùng lý lẽ: chưa có qui định nên tôi dùng tạm!
Về chức năng, đây là công viên nên chỉ những công trình phục vụ cho công viên mới thích hợp và có thể chấp nhận tồn tại. Với tính chất là một công viên nói chung, những loại hình như dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí công cộng cho khách tham quan… là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ngay cả chức năng thể dục thể thao trong công viên cũng không được xây dựng qui mô lớn – cơ bản là thể thao ngoài trời gắn với cây xanh, qui mô nhỏ.
Về mặt sử dụng, những công trình để phục vụ cho công viên phải gắn với hoạt động công viên, sao cho những người đến thăm thú công viên có thể sử dụng dịch vụ đó. Nhưng nếu cũng công trình đó mà ngăn ra một cách biệt lập ( như hiện nay vườn thú Hà Nội đang làm), gắn với sinh hoạt đường phố và cho những đối tượng hoàn toàn khác, còn bà con đến chơi công viên lại không tiếp cận được – là không thích hợp!
Tới đây, theo tôi, có 2 việc cần làm song song: một là xử lý các công trình vi phạm; hai là tiến hành lập qui hoạch sau đó có kế hoạch tổ chức đầu tư xây dựng. Xử lý không cần phải chờ qui hoạch, công tác qui hoạch cũng không chờ đợi việc xử lý mà có thể tiến hành song song!
“Tổng Giám đốc về hưu rồi vẫn xử lý được!” (Ông Lưu Tiến Định – Giám đốc Sở Nội vụ)
Đáng lẽ ông Lê Sỹ Thục – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHHNN một thành viên Vườn thú Hà Nội đủ tuổi nghỉ hưu từ tháng 02/2007, nhưng thời điểm đó việc thanh, kiểm tra tại đây chưa kết thúc nên Thành phố yêu cầu dừng lại để chờ kết luận thanh tra, sau đó kiểm điểm nghiêm túc, có hướng khắc phục rồi mới tiếp tục xem xét.
Đầu tháng 07/2007 vừa qua, Thanh tra kết luận chưa thấy có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, tư lợi. Ban cán sự thấy rằng nếu kéo dài ông Thục thêm nữa thì tác dụng cũng có mức độ thôi, nên giao trách nhiệm cho người ở lại tiếp tục thực hiện kết luận Thanh tra và chỉ đạo của Thành phố, còn ông Thục được tạo điều kiện nghỉ hưu từ 01/08.
Tuy nhiên, những phần việc thuộc trách nhiệm của ông Thục trước đây nếu sau này thấy tới mức phải xử lý thì vẫn xử lý được chứ không buông tha! Trước hết, phải giải quyết các vấn đề sai phạm, có hướng khắc phục cấp tốc, phải nghiêm túc kiểm điểm… chứ không phải về hưu rồi thì thôi đâu!