Cả làng làm "lâm tặc"

Đó là làng Long Sơn thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Người dân nơi đây mấy thập niên qua sống bằng nghề phá rừng, không ở đâu xa, mà sát ngay bên họ – rừng phòng hộ của hồ chứa nước Phú Ninh.

Đói ăn vụng…


Sống sát bên hồ thuỷ lợi lớn nhất nhì miền Trung mà mỗi năm phải chịu khát 6 tháng- đó là tình trạng khó tin nhưng có thật của dân làng Long Sơn. Hồ Phú Ninh mỗi năm đưa nước đi cả trăm km tưới cho 23.000 ha lúa cả tỉnh, nhưng chỉ có 40 ha lúa của dân Long Sơn, ngay bên cạnh, thì nó lại “bỏ qua”.


Cũng có hai trạm bơm (ở làng khác) dẫn nước về Long Sơn. Nhưng cả 2 chỉ tưới được 7 ha,  một diện tích quá nhỏ. Đã thế lại có mức thuỷ lợi phí cao nhất tỉnh: 90.000 đồng/sào/năm. Với giá như thế, làm một sào lúa, nông dân phải chịu lỗ tối thiểu 150.000 đồng/vụ.


Nông dân sợ, không ai dám ký hợp đồng mua nước tưới. Cách đây 6 năm, tỉnh có đầu tư 1 tỷ đồng xây trạm bơm riêng cho Long Sơn, có tên là trạm bơm Long Sơn. Nhưng không biết do đâu mà trạm bơm hoàn thành 6 năm rồi vẫn không thể đưa nổi một giọt nước về đồng. Từ đó đến nay công trình 1 tỷ đồng này “cay đắng” chịu thân phận làm cái “nhà xí” công cộng cho 1.100 dân Long Sơn.


Đây là làng duy nhất của Quảng Nam công khai “chống” lệnh sản xuất theo thời vụ của UBND tỉnh. Cả tỉnh không đâu dám sản xuất vụ xuân hè (ai làm là chính quyền địa phương cho trâu cày phá ngay), trừ dân Long Sơn. Dân đây sản xuất theo… trời. Trời còn mưa thì dân còn làm, bất kể đó là vụ nào. Còn bây giờ, Quảng Nam đang là vụ hè thu- vụ sản xuất chính trong năm – nhưng Long Sơn là những “cánh đồng chết”, nông dân không ra đồng.


Từ tháng 6 mỗi năm là 200 cái giếng của Long Sơn cạn trơ đáy. 1.100 con người ở đây bắt đầu dáo dác đi tìm nước mỗi ngày. Từ sáng sớm đã rùng rùng cả làng kéo nhau đi đến những làng khác xin nước. Thậm chí đến mùa khô kiệt, họ phải về làng cũ ở giữa lòng hồ Phú Ninh (họ vốn ở trong lòng hồ Phú Ninh, phải di dời ra để làm hồ) – để vét lại những cái giếng ngày xưa mà “mót” nước dùng.


Nông dân mà không có nước thì tất nhiên là khổ. 285 hộ dân ở đây có 1/4 là hộ nghèo. Thật ra con số này phải cao gấp 2-3 lần nếu như bà con không “linh động”. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, cả làng Long Sơn rủ nhau làm lâm tặc.


Làng lâm tặc


Long Sơn khô hạn là thế nhưng lại là làng có nhiều ghe nhất Quảng Nam. 285 gia đình thì đến 250 nhà có ghe, trong đó có cả nhà thôn trưởng Lê Chí Sỹ. Bà con sắm ghe để đi làm lâm tặc. Muốn vào những khu rừng phòng hộ Phú Ninh phải bơi ghe qua lòng hồ Phú Ninh. Từ sáng cả làng rủ nhau, hàng trăm chiếc ghe băng qua lòng hồ tiến về các khu rừng. Người đi khai thác gỗ, người đi đốn củi, kẻ đốt than…


Ông Sỹ nói, gỗ đắt ở đâu, chứ ở đây dân Long Sơn “làm” ra, chặt 1 ngày được 1 ghe củi nhưng giá chỉ có 30.000 đồng, dân đi đốt than còn “hẻo” hơn. Vì thế để không bị đói, cả làng phải cần mẫn vào rừng, ngày này qua ngày khác, bao nhiêu năm rồi như vậy.


Bao nhiêu cánh rừng Phú Ninh bị triệt hạ, trong đó có vụ nguyên cả khu rừng phòng hộ 54 ha bị đốn trụi, rồi đốt sạch đến không còn một cái lá, ít nhiều đều có bàn tay của dân Long Sơn. Cả học sinh Long Sơn, từ tiểu học đến trung học, cũng tham gia làm “lâm tặc”. 5 năm qua, các trạm kiểm lâm Phú Ninh đã phát hiện lập biên bản không biết bao nhiêu vụ dân Long Sơn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lâm sản.


Trong 5 năm lại đây có trên 10 người dân Long Sơn chết trên đường làm lâm tặc. Trong đó chết vì lật ghe là nhiều. Ông Sỹ buồn rầu, dân Long Sơn thường than: “Sau chết nước, trước chết khô”. Trước mặt thì đồng khô cỏ cháy, bám ruộng thì chết khô, nhưng ra sau – xuống hồ đi làm lâm tặc- thì chết nước, bị bắt bớ, phạt vạ… Ngõ nào cũng “chết”.


Phá rừng phòng hộ thì không chỉ chết vì tai nạn. Thảm họa sẽ còn tàn khốc hơn khi tấm lá chắn cho hồ Phú Ninh bị đe dọa, không chỉ với dân Long Sơn mà cho cả chục vạn dân Tam Kỳ nằm ngay dưới cái túi nước khổng lồ 500 triệu m3 này. Tuy nhiên muốn dân Long Sơn biết nghĩ đến điều đó thì các cấp chính quyền phải cần “biết nghĩ” đến dân Long Sơn, cái làng quê đã ở vào thế tiến thoái lưỡng nan 30 năm trời.