Dugong – “Tiên nữ” biển khơi

ThienNhien.Net – Công ty tem Việt Nam mới phát hành bộ tem về một loài động vật quý hiếm của vườn quốc gia Côn Đảo – loài Bò Biển (hay Dugong). Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật quý hiếm của nước ta. Bò biển đã được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) liệt vào danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
 

Dugong (<i>Trichechus manatus</i>) là một loài thú sống ở biển, chiều dài trung bình khoảng 2,7m và nặng từ 250 đến 300kg, thân hình con thoi, đuôi dạng vây nằm ngang, chi trước có hình mái chèo dùng để bao con khi cho bú, da dày, lông thưa. Dugong chủ yếu ăn rong biển và cỏ biển. Chúng thường tập trung sinh sống ở vùng ven bờ biển, nơi có nhiều thức ăn.

 Dugong có thân hình rất đẹp, với bộ da màu nâu hồng, người ta còn gọi chúng là “Nàng tiên cá”. Được xếp vào hàng “bé bự” của biển khơi, vừa mới chào đời, Dugong con đã dài khoảng 1,1 m, đến lúc trưởng thành sẽ dài từ 2,4-2,7 m và có thể nặng đến 400 kg. Là loài rất phàm ăn, trung bình một con Dugong ngốn hết 25 kg cỏ biển/ngày.

Dugong không thể lặn lâu trong nước mà thường xuyên cứ 1 – 2 phút là phải ngoi lên mặt nước để thở vài giây. Dugong di chuyển chậm chạp, với vận tốc chỉ khoảng 5 km/giờ, tuy nhiên khi cần chúng cũng có thể đạt tốc độ cao hơn, khoảng 20 km/giờ. Chúng thường xuyên nghỉ ngơi ở tầng nước 2 – 10 m, chuyển động hàng ngày của Dugong bị ảnh hưởng bởi thủy triều, thời tiết, thức ăn và các vật quấy nhiễu bên ngoài.

Theo dân gian, Dugong khi ăn cũng như khi bơi, đầu bao giờ cũng cúi xuống, bởi vậy mới gọi là con Cúi. Dugong là thú, nhưng chỉ ăn một thứ thức ăn duy nhất là cỏ biển, mà cũng chỉ ăn một thứ cỏ biển duy nhất là cỏ xanh, nên có thêm tên gọi là Bò Biển.

 Giống cỏ xanh chỉ cao tầm một gang tay, mọc dày ở vùng vịnh Đông Nam, vịnh Đông Bắc, vịnh Đầm tre, và xung quanh Hòn Bảy Cạnh (Hòn đảo lớn thứ hai trong tổng số 16 hòn đảo của huyện Côn Đảo). Chính điều này đã giải thích, vì sao người ta thấy Dugong chỉ thường xuất hiện ở Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, chỉ có một quần thể nhỏ Dugong với số lượng khoảng 10 – 15 con. Ước tính, hiện trên thế giới có khoảng 100.000 cá thể, trong đó Australia đóng góp khoảng 85.000 con và ở đây người ta theo dõi nghiên cứu chúng bằng vệ tinh. Theo thống kê, Australia, Papua New Guinea, là những nơi có mật độ cá thể đông nhất.

Vườn quốc gia Côn Đảo hiện đã khoanh vùng quản lý 14.000 ha diện tích mặt biển bao quanh quần đảo và 20.500 ha vùng đệm trên biển. Trong đó có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 5.446 ha, kết hợp bảo tồn loài Dugong và quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và biển.