Vòng quanh các khu định cư dân lòng hồ, một thực trạng chung là người dân bất lực trong việc kiếm kế sinh nhai. Các dự án hỗ trợ từ chính quyền đều không có hiệu quả.
Đi tái định cư để… tái nghèo!
Hầu hết trong các dự án về tái định cư của tỉnh Thừa Thiên-Huế, người dân khi đến các khu tái định cư mới đều được hưởng các chính sách về hạ tầng, nhà cửa, đất sản xuất, đất canh tác,… bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.
Thoạt tiên khi nhìn vào cơ sở hạ tầng được đầu tư cho khu tái định cư Bình Thành thì ai cũng thấy được một cuộc sống tốt đẹp đang hiện hình trước mắt, những ngôi nhà to được xây kiên cố, con đường rải nhựa phẳng lỳ, điện, trạm xá, trường học, nước máy kéo về tận nhà…
Nhưng, một điều trái khoáy là trên mảnh đất được cấp để sản xuất, họ không thể trồng bất cứ một loại cây lương thực, hoa màu nào ngoài một ít diện tích sắn KM94 để bán cho nhà máy sản xuất tinh bột sắn.
Những cây chuối, cam, thanh trà,… của dự án đưa về không chịu được đất cằn, không nước tưới,… nên chết khô. Trồng 2 năm mà không vươn khỏi mặt đất, số còn sống thì không biết bao giờ mới cho thu hoạch. Đất sản xuất canh tác không thể mang lại hiệu quả, nên đời sống người dân ngày một đói kém hơn trước.
Bà Trần Thị Xuân – thôn Bình Dương than thở: “Trước đây, ở bên Dương Hoà, đất tốt mà nhiều lắm, một năm 2 vụ đậu, 2 vụ lúa, những ngày thiếu việc thì đi làm mây, mỗi năm thu nhập cũng được hơn chục triệu đồng. Qua đây, ngoài 2 sào đất làm nhà, lập vườn cây, trồng sắn, xã còn cấp thêm cho 3 sào đất đá để trồng 350 cây keo tai tượng lớn chưa quá đầu người. Hai vợ chồng già bây giờ cũng không biết làm việc chi để có được miếng ăn trong những ngày tới nữa”.
Anh Trương Ngọc Xanh dẫn chúng tôi đi xem khu vườn chỉ vẻn vẹn hơn 2 sào đất nói: “Cán bộ chê chúng tôi nhác chăm sóc, tưới nước, bón phân để cho cây dự án chết hết. Oan cho tụi tui quá! Đất ở đây xới lên toàn đá, cỏ cũng không thể sống nổi nữa, chứ đừng có nói là cam, bưởi,…
Trong khi ông chủ tịch xã Văn Viết Song thì quả quyết: “Trung bình mỗi hộ ở khu tái định cư này được cấp 0,5ha đất, có nhiều hộ xã cho đất mà vẫn không chịu làm”. Hầu hết dân thì kêu không có đất sản xuất, đất canh tác, còn ông chủ tịch thì cứ “khoe” như thế, nghịch lý này đâu là lời giải đúng?
Không ruộng, không rừng, thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, nên mấy năm nay người dân khu định cư Bình Thành sống chủ yếu bằng nghề làm thuê (chủ yếu là đi làm tre, khai thác cây gỗ) cho những ông chủ rừng.
Tuy nhiên, họ cũng không thể thường xuyên có việc bởi chỉ lúc nào có nhu cầu thì mới có việc: “Việc có thường mô, chỉ lúc có việc người ta mới gọi mình, một tháng làm vẻn vẹn hơn chục ngày” – anh Trương Ngọc Nếp tâm sự.
Việc làm thuê chỉ có thể diễn ra vào những ngày mùa nắng. Khi mùa mưa đến thì hầu hết họ chỉ còn biết… thất nghiệp!
Anh Hà Lê Quý Ngọc không chịu đựng nổi cảnh thất bát, gia đình ngày càng túng bấn hơn nên đã liều đưa gia đình về Dương Hoà để làm ăn sinh sống. Bây giờ, trên khu đất hoang được cấp để tái định cư, ngôi nhà anh chỉ là một đống đổ nát, xiêu vẹo.
Dự án “chết”, dự án nửa vời
Để phục vụ cho đời sống dân sinh hậu tái định cư, tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tổ chức như NAP, PAO… đã hỗ trợ rất nhiều dự án để phục hồi sinh kế cho khu tái định cư Bình Thành.
Thế nhưng, những dự án này hoặc chưa phát huy được hiệu quả, hoặc là “chết” yểu giữa chừng. Những cây trồng như: măng điền trúc, xoài, đu đủ,… đều không chịu được đất cằn nên hầu như đã chết sạch.
Ở đây, chỉ có mỗi cây sả do dân trồng tự phát thì lại sống được và… bán không ai mua. Còn 17 hộ được xã chọn trồng thí điểm măng điền trúc đang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu khi măng bị tư thương ép giá chỉ còn 1,2 nghìn đồng/kg. “Chỉ có mỗi cây măng là có kết quả, thế nhưng măng có bán được mô, chỉ biết đem luộc lên ăn qua ngày thôi” – anh Nguyễn Nhỏ bức xúc nói.
Người dân còn được nhận từ dự án rất nhiều loại gia súc như : dê, bò, lợn,… Dự án nuôi dê đã bị “chết” yểu. “Dự án dê chúng tôi thấy không có hiệu quả nên không thể tiếp tục thực hiện” – ông Song nói.
Tuy nhiên, điều khiến cho dự án này thất bại đó chính là việc con dê không tìm đâu ra lá cây, thức ăn chủ yếu của chúng để có thể tiếp tục sống.
Việc thiếu thức ăn cho gia súc cũng đang khiến đàn bò dự án rơi vào cảnh khốn khó. Tổ chức NAP đầu tư 54 hộ theo 2 hình thức: kế thừa, cho hẳn 2 triệu đồng để mua bò. Để đàn bò có thể sống, người dân phải đem đi chăn thả cách nơi tái định cư hơn chục cây số. Việc tìm được nguồn cỏ cho đàn gia súc ở khu tái định cư là không tưởng, cán bộ nơi đây cũng đã đưa dân vào tận Ninh Thuận học cách trồng cỏ. Dân học xong về áp dụng để trồng thì cỏ chết không còn một cọng.
Bà Lê Thị Sen kêu trời: “Dự án cho tụi tui heo mà trong vườn không lấy được một cọng rau, sắn KM94 thì heo không ăn được, thứ gì cũng phải đi mua thì làm răng có hiệu quả được. Nên thà để chuồng không còn hơn”.
Ngoài ra, xã Bình Thành còn có rất nhiều dự án khác dành cho việc ổn định đời sống dân sinh ở đây. Hầu hết các dự án đó đến tay người dân có khi “chết” giữa chừng hoặc là không mang lại hiệu quả gì. Trong khi xã thì cứ đổ lên đầu dân là lười, không nghe theo những gì cán bộ hướng dẫn: “Dân ở đây chỉ còn biết đem cái máy “và” mà “và” vào miệng nữa thôi” – ông Chủ tịch UBND cười nói.
Trong khi người dân ngày càng rơi vào tình cảnh túng bấn do thiếu việc, thiếu đất sản xuất để ổn định đời sống, thì ông Chủ tịch xã cứ nói vui một cách dửng dưng rằng: “Nói vui rứa đó! Để các hộ dân ở đây thoát khỏi cảnh nghèo thì phải có mỗi hộ ít nhất 3ha rừng. Chúng tôi vẫn đang kiến nghị”. Đến bao giờ đất đến tay dân thì vẫn phải chờ!