Từ ngày 02-07/09, hàng trăm hộ nông dân thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk sống trong bàng hoàng, lo lắng vì một đàn voi lạ, trên 20 con, rất hung dữ, ngày đêm tàn phá cây trồng trên các nương rẫy.
Tại thung lũng Ia Lốp (sát bìa rừng nguyên sinh rạm rạp, cách trung tâm xã Ia Lốp, huyện Ea Súp khoảng gần 14 km, bà con thôn Dự trồng hàng chục ha lúa nước, bắp lai và nhiều loại cây ăn quả khác), 10 ha lúa rẫy của 17 hộ nông dân thôn Dự bị đàn voi quần nát.
Ruộng lúa và bắp hơn 1,2 ha của chị Trần thị Huyền không cụm nào còn nguyên vẹn; mặt ruộng dày đặc những dấu chân voi. Vết chân của con voi lớn nhất (có lẽ là voi đầu đàn) lún sâu gần 1 m, đường kính 40 – 45 cm.
Cùng chung thiệt hại, gia đình ông Nguyễn văn Bốn cũng bị phá nát 1,7ha ngô; nhà anh Khang mất 1,2 ha lúa; còn anh Ksor Nhan bị voi phá mất gần 2ha lúa mới trồng hai tháng.
Ngoài lúa, nhiều diện tích cây trồng khác của các bà con nông dân các thôn, làng lân cận cũng bị đàn voi lạ giày xéo. Bên vườn bắp khoảng 2ha tả tơi, anh Lê Văn Quang (thôn Dự) không giấu được bực tức: “Tối qua, đàn voi khoảng 20 con còn xuống đây tìm thức ăn. Tôi nghe anh em nói cũng đi xem thử nhưng thấy voi hung dữ quá chẳng ai dám làm gì. Thấy voi phá rẫy ngô, lúa của bà con cũng buồn lắm, nhưng biết làm gì hơn, thôi thì chạy cho yên… ” .
Chị Vân đang ngồi vuốt lại những cây ngô bị mấy “ông voi” phá nát, kể: “Tối qua, cả mấy người xung quanh vào đây, đốt lửa, đánh xoong, nồi vang cả một khu rừng để đuổi chúng đi, nhưng cũng không biết làm gì hơn; thế là ngô ngô nhà tôi bị đàn voi ăn và đạp hết”.
Phá hoại cây trồng chưa đủ, đàn voi gặp chòi rẫy nào cũng dùng vòi kéo sập. Chưa đủ, chúng còn giẫm đạp xoong nồi nấu ăn của các hộ dân.
Ông Lê Văn Thình nói: “Ông voi đã đến “thăm” nhiều lần rồi. Nhưng lần này, tôi cố liều vào rình xem thử “ông voi” to chừng nào mà phá dữ quá, nhưng khi chúng tiến đến, nghe tiếng chân giẫm “lục bục”, xung quanh cây rừng gãy răng rắc, chúng tôi sợ quá liền rút lui, bảo vệ tính mạng. Mấy ngày qua, dân ở đây không ai dám vào thăm rẫy vì sợ voi, bầu không khí hoang mang đang bao trùm lên các thôn, làng.
Theo ông Ksor Nham – 74 tuổi, người sống lâu năm ở đây: “Ban ngày đàn voi vào rừng nhưng chúng có thể tiếp tục “ghé thăm” để tìm thức ăn. Trong khi thôn Dự và trong xã Ia Lốp còn khoảng 250 ha cây trồng các loại.
Trước nguy cơ bị đàn voi dữ phá hết mùa màng, người dân thôn Dự đã lên UBND xã, huyện trình báo nhưng gần 5 ngày nay, chính quyền địa phương chỉ có thể trấn an các hộ dân, hầu như chưa tìm ra cách nào để chống đỡ.
Khác với các đàn voi trước “về thăm” làng, lần này bà con dùng các biện pháp truyền thống như dùng lao phóng thanh, đốt lửa, đánh trống, khua chiêng nhưng không khiến đàn voi chùn bước.
Ông Vi Văn Bính – Chủ tịch UBND xã Ia Lốp cho biết: “Người dân nơi đây cũng quen chuyện voi “đến thăm”. Nhưng lần này quả đàn voi lạ và hung dữ quá. Trong khi vẫn phải đề nghị dân tuyệt đối không dùng tên nỏ hay sử dụng cách săn bắt như gài chông, đào hầm… làm tổn hại đến loài động vật quý hiếm này. Chỉ còn cách hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân có rẫy bị voi rừng phá hoại…”.
Ông Phan Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp thì cho biết: “Không chỉ ở Ia Lốp mà các xã và vùng lân cận, cũng liên tục được các “ông voi” ghé thăm. Nhưng lần này đàn voi lạ và rất hung dữ, dân địa phương ai cũng sợ bỏ hết nương rẫy… Sự việc chúng tôi đã biết và đã nhiều lần báo cáo lên trên.
Thôn báo lên xã, xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh… Di dời dân không được, di dời voi càng không xong. Thế là trước mắt, hàng trăm hộ dân thôn Dự và nhiều địa phương khác vẫn cứ phải lấy ruộng nương để tiếp đãi voi dữ.