Căng thẳng nơi chôn rác

Sự cố bể bờ bao, lún sụt ở bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) – nơi tiếp nhận rác sinh hoạt duy nhất hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh lại một lần nữa báo động về tình trạng thiếu trước hụt sau nơi tiếp nhận, xử lý rác.

Hồi hộp… từng ngày!


“Phải tiếp nhận gấp đôi công suất, chúng tôi hồi hộp từng ngày vì chẳng may bãi rác xảy ra sự cố nào thì rác thành phố (TP) biết đổ về đâu!”. Trước khi bãi rác Phước Hiệp bị lún sụt, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TP, đã lo ngại như thế khi trình bày với đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TP.


Thực tế, lo ngại của ông Nhựt là có cơ sở vì từ cuối tháng 7 toàn bộ lượng rác thải của TP, khoảng 6.000 tấn, đều được đưa về bãi rác Phước Hiệp vì bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) đã đóng cửa.


Để đưa được lượng rác khổng lồ này về tập kết ở Phước Hiệp, đội xe chở rác gồm 800-850 chiếc đã phải hoạt động hết công suất. “Các công đoạn xử lý như lấp, che bạt và xịt thuốc khử trùng gần như bỏ qua vì chỉ còn thời gian để tập trung tiếp nhận rác”- ông Nhựt nói.


Một cán bộ ở bãi rác Phước Hiệp cho biết, với lượng rác quá tải như vậy nên mưa xuống lại càng nan giải vì rác ứ đọng xử lý không kịp. Nếu bể bờ hay lún sụt đất thì hậu quả khó lường…


Theo Công ty Môi trường Đô thị TP, từ cuối năm 2006, dù bãi chôn lấp số 1 ở bãi rác Phước Hiệp đã ngưng hoạt động vì quá tải nhưng do phải tiếp nhận rác từ Gò Cát chuyển sang nên phải hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến cuối tháng 12, các bãi chứa hiện nay cũng sẽ hết chỗ.


Nước đến chân mới nhảy


Có thể nói vấn đề quy hoạch và xây dựng các bãi đổ rác ở TP. HCM luôn rơi vào thế bị động và “giật gấu vá vai”. Cuối năm 2001, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) chính thức đóng cửa sau nhiều năm hoạt động thì bãi rác Gò Cát lại được đưa vào sử dụng.


Dù với công suất thiết kế chỉ 2.000 tấn/ngày nhưng những lúc cao điểm bãi rác này phải tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày. Trong quá trình hoạt động, bãi rác này xảy ra không ít sự cố (trong đó có công nghệ xử lý nước rỉ rác) làm người dân khu vực xung quanh chịu không thấu bởi mùi hôi thối.


Dù người dân liên tục phản ánh, nhưng vì chưa có nơi tiếp nhận mới nên bãi rác Gò Cát dự kiến đầu năm 2007 sẽ đóng cửa nhưng phải trì hoãn đến đầu tháng 08/2007. Thế nhưng, lúc này bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) cũng chưa thể hoạt động nên 3.000 tấn rác ở Gò Cát phải đưa về bãi rác Phước Hiệp, trong khi bãi rác này vốn đã “èo uột” từ lâu.


Gần như lần nào cũng vậy, bãi rác cũ đóng cửa, bãi rác khác mới vẫn chưa sẵn sàng hoạt động, chẳng khác gì “nước đến chân mới nhảy”!


Bao giờ chấm dứt xử lý bằng chôn lấp?


Theo Sở Tài nguyên-Môi trường TP, trung bình lượng rác thải của TP tăng 8%/năm và dự báo đến năm 2010, lượng rác thải của TP khoảng 8.000 tấn/ngày (hiện nay hơn 6.000 tấn/ngày). Song chỉ với công nghệ xử lý rác của TP. HCM chủ yếu là chôn lấp như hiện nay thì đến lúc nào đó TP lại rơi vào tình trạng hết chỗ chứa rác.


Một cán bộ Phòng quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường thừa nhận, TP. HCM có khoảng 8 dự án sản xuất rác thành điện, phân bón nhưng việc triển khai các dự án gần như ngưng trệ!


“Nói đâu xa vời, chỉ với chương trình phân loại rác tại nguồn mà triển khai thực hiện còn nan giải. Bởi phải có ý kiến của cơ quan này, đơn vị kia và đến nay chương trình này không thể triển khai được!”- cán bộ này cho biết.

Có nguy cơ tràn nước rỉ rác ra ngoài


Đến chiều 06/09, tình trạng lún, nứt ở bãi chôn số 1 của bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi vẫn tiếp diễn.
Do hệ thống xử lý nước rỉ rác của Công ty Đức Lâm vẫn còn trong tình trạng bị tê liệt nên lượng nước rỉ rác dồn ứ dẫn đến nguy cơ tràn bờ. Người dân ở khu vực gần bãi rác phản ánh, đoạn rạch dẫn ra kênh Thầy Cai bị bùn nổi lên rất nhiều và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.


Theo UBND huyện Củ Chi, sau khi xảy ra sự cố đã đóng cửa kênh 2-5 A và 2-6 để ngăn chặn không cho nước rỉ rác tràn ra kênh Thầy Cai.


Chiều cùng ngày, một lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết, các đơn vị liên quan đã gia cố bờ bao và vẫn tiếp nhận rác để bảo đảm rác thải của TP không bị ứ đọng. Tuy nhiên, về hướng khắc phục lâu dài, chưa thấy Sở Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan chức năng đưa ra.