Tiếp sau TP Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, TPHCM cũng đang xúc tiến việc thu phí vệ sinh có sự quản lý của Nhà nước. Đây được cho là một việc tối cần thiết để thắt chặt vấn đề vệ sinh môi trường đang nhức nhối hiện nay.
Các đơn vị gây ô nhiễm cao như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu du lịch… không phải trả phí vận chuyển, xử lý rác thải. Nhà nước vẫn bao cấp hoàn toàn. Như vậy vừa không công bằng vừa không đủ chi phí để chúng ta đầu tư xử lý rác thải tốt hơn”. Phát biểu tại hội thảo “Góp ý đề án thu phí vệ sinh” do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức ngày 05/09, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Thường trực, đã thẳng thắn nhìn nhận như trên.
Mỗi năm tốn 250 tỉ đồng
Tại TPHCM, đến hiện nay phí vệ sinh duy nhất phải trả đó là phí thu gom, còn các loại phí khác về môi trường do rác thải gây ra như xử lý, vận chuyển… đều do Nhà nước gánh. Thống kê của ông Trần Phi Hùng, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết mỗi năm TP phải tiêu tốn 250 tỉ đồng tiền trung chuyển, vận chuyển rác, 160 tỉ đồng phí chôn lấp và 200 tỉ đồng tiền xây dựng các công trình xử lý rác thải… Mặt khác, phí thu gom rác đều do các công ty dịch vụ công ích, lực lượng rác dân lập nắm giữ, TP không thu để tái đầu tư cho vấn đề vệ sinh đô thị. Đồng ý với việc phải tính thêm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác của đề án, tuy nhiên ông Trần Văn Danh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 6, cho rằng: “Nếu nâng mức phí vệ sinh lên ngay như đề án sẽ rất khó thực hiện”. Ông Danh nói: “Những năm đầu thực hiện đề án, TP nên giữ nguyên giá phí vệ sinh và vẫn phải tiếp tục bù lỗ. Song song với việc bù lỗ, giữ nguyên giá phí vệ sinh, Nhà nước phải chứng minh được chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phải tốt hơn hiện nay. Bởi có như vậy mới “thuyết phục được việc tăng phí vệ sinh là hợp lý”.
Phải sát thực tế
Theo dự thảo đề án thu phí, mức phí các đối tượng ngoài hộ dân phải đóng được chia làm 3 nhóm: các quán cóc nhỏ lẻ dự kiến 56.000 đồng/ tháng; các trường, thư viện, cơ quan, cơ sở thương mại nhỏ lẻ dự kiến 95.000 đồng/ tháng; các cơ sở thương mại lớn, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện… dự kiến 160.000 đồng/ tháng. Góp ý cho vấn đề thu bao nhiêu là đủ, ông Phan Văn Lang, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận 4, nhận xét: “Mức phí thu của các quán cóc như vậy là quá cao; thu trường học (trường mầm non, tiểu học…) phải tính đến từng quy mô cụ thể… Bởi có đơn vị quy mô nhỏ, xả rác ít mà phải đóng phí nhiều; các đơn vị xả thải nhiều mà đóng phí ít thì đề án dễ đi vào cào bằng. Và thực tế, hiện nay quận 4 chỉ thu các quán cóc nhỏ lẻ, mỗi tháng 7.000 đồng nhưng “vẫn thấy nhức đầu”.
Cũng về vấn đề này, ông Trần Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty Công trình Công cộng quận 1, nói: “Nếu hộ dân ở các quận nội thành như quận 1, phải trả cho các khoản phí thu gom, xử lý rác trên kênh rạch, xử lý nước rỉ rác ở các quận, huyện khác là không hợp lý”. Vì thế, ông Cường góp ý “đề án cần tính toán lại các khoản phí mà người dân phải đóng cho thật sát với thực tế”.
Mức phí dự kiến đối với các hộ dân: 1. Nội thành ở mặt tiền đường: 18.000 đồng/tháng. 2. Nội thành ở hẻm: 15.000 đồng/tháng. 3. Ngoại thành, vùng ven mặt tiền đường: 9.000 đồng/tháng. 4. Ngoại thành, vùng ven ở hẻm: 7.500 đồng/ tháng. Người dân có thể góp ý về mức phí vệ sinh trên website: www.donre.hochiminhcity.gov.vn hoặc gởi thư về số 63 Lý Tự Trọng, Q.1 – TPHCM. |