Từ năm 2004, UBND thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh đã cho xây dựng và mở rộng bãi rác Phượng Thành. Tuy nhiên, cùng với những bất hợp lý trong xây dựng bãi rác, tình trạng rác thải tràn lan đang làm đau đầu biết bao người.
Dân kêu trời vì ô nhiễm
Ông Phạm Quang Tiến, chủ doanh nghiệp khai thác cát sỏi tại sông Ngàn Sâu (thuộc hai huyện Đức Thọ và Hương Sơn, Hà Tĩnh) nói: “Rác ở đây khiếp lắm, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì đủ mọi loại rác nổi phập phềnh. Như nhà tôi, hôm nào mưa to, nước về nhiều rác tràn cả vào nhà…”.
Vậy, rác ở đâu ra? Ông chủ tịch xã Đức Hoà Lê Xuân Thành cho biết, từ năm 2002 đến nay, rác thải của dân ở thị trấn Đức Thọ, Trung tâm y tế Đức Thọ, 3 xã Đức Yên, Trường Sơn, Tùng Ảnh đều được tập trung tại bãi bắn khu vực Đồi Thung – Phượng Thành thuộc xã Đức Long và Tùng Ảnh, hình thành nên bãi rác Phượng Thành.
Anh Nguyễn Văn Hương, nhà ngay gần bãi rác, cho biết: “Ở đây, mùa hè thì người ta đốt rác, mùi khói cộng với mùi rác thải nồng nặc không chịu nổi, còn mùa mưa ruồi nhặng đầy đặc, mâm cơm dọn ra chưa kịp ăn ruồi đã ăn hết”.
Ông Nghị, nhà ngay cạnh nhà anh Hương, năm nay đã gần 70 tuổi, chảy nước mắt nói: “Hết đường chạy rồi chú ạ, cứ sống thế này chắc tôi không trụ được, mà tránh nó thì chẳng biết tránh vào đâu, chẳng lẽ bỏ nhà mà đi…!”.
Cứ như thế, hàng trăm hộ dân thôn 3 – xã Đức Hoà quanh bãi rác Phượng Thành sống hết ngày này qua tháng khác trong sự hoang mang từ 5 năm nay. Cách duy nhất nước từ bãi rác thoát ra là chảy qua cánh đồng chạy dọc thôn 3 ra sông Ngàn Sâu. Do đó, về mùa cấy, gặt, người dân ở đây thường bị mụn ngứa khi làm cỏ lúa về.
Đặc biệt nguy hại là loại rác thải y tế từ trung tâm y tế Đức Thọ cũng được chở về đây, mang theo nhiều khả năng lây lan dịch bệnh. Ông Lê Xuân Thành bức xúc: “Chưa nói đến những thứ như kim tiêm, vật dụng y tế đã qua sử dụng, mà những phần cắt bỏ của cơ thể nạn nhân bị tai nạn… được cho vào bọc đổ lên bãi rác bị súc vật phát hiện tha về cũng đủ làm cho người dân hoang mang bất ổn…”. “Mọi việc, từ chuyên chở rác, vị trí bãi rác đều diễn ra trên đất Đức Long và Tùng Ảnh nên chúng tôi chỉ có thể kiến nghị nhưng không được giải quyết, đành bất lực”.
Chính quyền địa phương và nhân dân xã Đức Hoà đã có nhiều kiến nghị lên hội đồng nhân dân, UBND huyện Đức Thọ nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết trong khi ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Những bất hợp lý từ bãi rác
Ngày 22/11/2004, UBND huyện Đức Thọ ban hành quyết định số 396 QĐ/UB-TN&MT về việc thu hồi 55.336,2 m2 đất tại Đồi Thung – Phượng Thành thuộc quyền quản lý của UBND hai xã Tùng Ảnh và Đức Long bàn giao cho UBND thị trấn Đức Thọ xây dựng và mở rộng bãi rác Phượng Thành.
Khảo sát trực tiếp bãi rác cho thấy vấn đề đặt ra là việc chọn vị trí và thiết kế xây dựng của bãi chưa hợp lý. Khu vực hơn 55 nghìn mét vuông đất xây dựng bãi nằm ngay trên vị trí ngã ba của 3 nguồn nước đổ về nên chỉ cần một cơn mưa thường cũng có thể làm cho mực nước ở đây dâng cao, cuốn theo rác chảy qua thôn 3 – Đức Hòa về sông Ngàn Sâu.
Nhìn từ xa, bãi rác Phượng Thành trông như một chiếc chảo kê nghiêng, bờ thấp nhất lệch so với bờ cao nhất khoảng 40 độ. Với góc nghiêng như thế, những ngày trời mưa không có xe chở rác nào dám vào bãi dẫn đến việc về mùa mưa rác được đổ tràn lan ngoài cổng, chất đầy lên cả một đoạn đường của tỉnh lộ 28.
Có một điều lạ là phần cao nhất của bãi được xây tường bao khá cao, còn phần thấp nhất lại không có gì ngăn chắn. Thậm chí, những phần đất đá nhô lên tự nhiên cũng bị các xe khai thác đất sỏi xúc đi hết.
Chưa hết, hồ lắng nước thải được xây theo kiểu cho có. Theo đo đạc của chúng tôi, 5 cống thoát nước tại hồ lắng xây cao quá 2,5m so với vị trí để nước có thể chảy được. Như vậy, bãi rác Phượng Thành thực chất chỉ là nơi tập trung rác thải bất hợp lý.
Từ vị trí tập trung rác đến khu vực có dân sống gần nhất khoảng 50m, và thấp hơn bãi đổ. Về lâu dài nước thải từ rác có thể ngấm vào mạch nước sinh hoạt của những hộ dân sống gần. Và mùi hôi thối, khói đốt rác hàng ngày đe dọa sức khỏe của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Được biết, huyện Đức Thọ đang lập kế hoạch đề xuất xây dựng lại khu bãi rác này. Nhưng thực tế không biết đến bao giờ vấn đề này mới được giải quyết. Và người dân phải tiếp tục chịu đựng ô nhiễm và chờ đợi!