Dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất thị trấn Trâu Quỳ, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm triển khai đã hơn một năm nay. Điều đáng nói là khi dự án đi vào hoạt động việc san lấp mặt bằng và vận chuyển nguyên vật liệu đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và ô nhiễm môi trường tới mức đáng báo động của nhiều hộ dân sinh sống tại đây.
Nhà là cái “ao làng”
Chị Nguyễn Thị Thơ ở số nhà 1/1F, tổ Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ cho biết: “Vừa mới một trận mưa mà gia đình tôi đã bị nước ngập đến ngang đầu gối. Tình trạng này kéo dài quá lâu rồi. Mùa hè thì hôi thối, bụi bẩn, mùa mưa thì hệ thống nước thải không biết thoát đi đâu nên cứ chảy ngược vào nhà các hộ dân. Sau khi nước thải tiêu thoát để lại mùi xú uế khó chịu đến cả tuần sau. Tôi vừa mới sinh cháu bé chưa được hai tháng tuổi, sống trong cảnh ô nhiễm như thế này không sớm thì muộn cũng sinh bệnh…”.
Được biết dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất thị trấn Trâu Quỳ được triển khai từ năm 2006 giáp ranh với nhiều hộ dân ở các khu F, C, D, B tổ Thành Trung. Đến nay do diện tích san lấp đã gần như xong toàn bộ nên mặt bằng rất cao khi có mưa là nước lại tràn ra xung quanh, chảy vào các gia đình.
Do hệ thống cống quá nhỏ, lại bị tắc nghẽn vì đơn vị thi công lấp đất, cát lên trên mặt hệ thống thoát nước khiến nhiều hộ dân sống trong khu phố phải sống chung với nước thải sinh hoạt và cứ sau mỗi trận mưa cả khu dân cư chẳng khác nào cái “ao” trữ nước.
Ông Nguyễn Văn Can – Tổ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền nhưng chờ mãi tình trạng này vẫn không được khắc phục”. Cách đây khoảng hai tháng, Ban Quản lý dự án cho chôn mấy cái ống cống xuống. Kết quả là sau vài hôm xe ủi, xe chở cát trọng tải lớn chạy qua làm ống cống bị sập.
Cần thiết kế hệ thống tiêu thoát cho dân
Về vấn đề này ông Nguyễn Tăng Phượng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm cho biết: “Trước đây, các hộ dân đều thoát nước trực tiếp ra cánh đồng. Lúc đó, mặt nền nhà họ chỉ cách cánh đồng khoảng 40-50 cm. Khi có dự án, theo như thiết kế sẽ san lấp cánh đồng và tôn nền lên khoảng 1,2 mét do vậy những hộ gia đình sống gần đó trở nên thấp hơn so với mặt đường dự án đang làm.
Hơn nữa, hệ thống thoát nước của thị trấn Trâu Quỳ đã cũ, dù đơn vị thi công cũng đã có đào để khơi thoát dòng chảy nhưng do nền nhà các hộ dân quá thấp nhưng vẫn không thể khắc phục được. BQL dự án cũng đã phối hợp với đơn vị thi công cho khơi thông dòng chảy và sẽ cho lắp đặt hệ thống cống thoát nước cho bà con sâu hơn so với mặt nền khoảng 90cm để cho nước thải sinh hoạt được thoát nhanh hơn.
Trong thời gian tới, để giảm bụi và tránh ô nhiễm cho các hộ dân, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị huyện Gia Lâm, hàng ngày sẽ cho bơm nước làm ướt mặt đường hạn chế bụi tối đa”. Đây cũng là mong muốn của các hộ dân để đảm bảo một môi trường sống không bị ô nhiễm.