Hàng trăm hộ dân tại các khu tái định cư thuộc dự án hồ chứa nước Định Bình (huyện vùng cao Vĩnh Thạnh, Bình Định) phải tắm giặt, ăn uống bằng một thứ nước màu trắng đục suốt 3 năm qua. Riêng làng Kon Klôk – Pấk có thêm nước sạch từ Nhà máy nước thị trấn Vĩnh Thạnh, nhưng nguồn nước này cũng… không sạch nốt.
“Nghịch lý khát” ở chỗ, các làng tái định cư (TĐC) lại ở sát bên bờ hồ Định Bình – công trình đại thuỷ nông lớn nhất khu vực Trung Trung Bộ.
Bí thư chi bộ làng 1, xã Vĩnh Thuận Đinh Văn Nhớ rót cho tôi ly nước trà xám đục như có pha lẫn sữa. Khoảng 5 phút sau, dưới đáy ly lắng một lớp cặn dày đặc. Ông Nhớ phân bua: “Thường thì nhà mình ăn uống bằng nước khoáng, kẹt lắm mới phải dùng nước giếng này thôi. Dùng nó (nước) pha trà, nấu rượu uống không ngon, còn nấu cơm thì cơm vàng như nghệ”. Nói rồi, ông Nhớ đưa cái ấm nhôm nặng trịch cho tôi xem, bên trong có một lớp vôi kết tủa dày đặc.
Làng 1 Vĩnh Thuận có 42 hộ đều là dân TĐC của các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo. Ban quản lý dự án TĐC hồ Định Bình đào 28 cái giếng để các hộ dùng chung, nhưng giếng nào cũng có vôi nên bà con phải mua nước khoáng về dùng, hoặc đi bộ 5 – 6 cây số để gùi nước suối. Ngay cả việc giặt giũ cũng không ai “tín nhiệm” nước giếng, vì họ nói nước giếng giặt rất lâu sạch.
Ngoài làng 1, nhiều giếng nước ở làng 6 Vĩnh Thuận cũng bị nhiễm vôi. Bên Vĩnh Hoà có làng M 6, làng M 8; thị trấn Vĩnh Thạnh có làng Kon Klốk – Pấk v.v… đều có hiện tượng nước giếng nhiễm vôi như vậy.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chọn ngẫu nhiên 3 mẫu nước để kiểm định, kết quả 1 mẫu có hàm lượng CaCo3 cao gấp đôi tiêu chuẩn cho phép (640mg/lít) và 2 mẫu ở mức cho phép. Song, nồng độ vôi ở mức nào cũng rất nguy hại, bởi 100% số hộ đồng bào dân tộc Ba Na các khu TĐC vẫn có thói quen uống nước lã cho… mát bụng.
Riêng 40 hộ làng Kon Klốk – Pấk được “ăn theo” nước sạch từ Nhà máy nước thị trấn Vĩnh Thạnh, nhưng nguồn nước này cũng rất… bẩn. Theo Cty TNHH tổng hợp Vĩnh Thạnh – đơn vị quản lý nhà máy nước – thì các chỉ tiêu hoá, lý, vi sinh vật trong nước đều không ổn định. Cty đã khắc phục nhưng vẫn không đạt do nguồn nước từ sông Kôn tù đọng, cần thay nguồn với kinh phí rất lớn…
Chúng tôi mới “hỏi thăm thực trạng”, ông Nguyễn Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh – đã giãy nảy: “Các anh phải hỏi chủ đầu tư chứ, huyện chỉ phối hợp chọn địa điểm TĐC thôi”.
Đúng là phải hỏi chủ đầu tư – Ban quản lý dự án TĐC hồ Định Bình thuộc UBND tỉnh Bình Định – rằng tại sao khảo sát thiết kế không phát hiện nguồn nước ngầm bị nhiễm vôi? Hoặc phải hỏi lãnh đạo Thanh tra tỉnh là sao không đề cập nội dung này trong kết luận thanh tra dự án? Tuy nhiên, với người dân thì điều này không quan trọng nữa, họ chỉ cần biết bức xúc của mình bao giờ thì được giải quyết.
Vẫn theo ông Ninh, sau khi có kết luận của ngành y tế, UBND huyện đã báo cáo với tỉnh rồi. Không biết dùng nước giếng nhiễm vôi lâu ngày có bị vôi hoá ngũ tạng như dân nói hay không, nhưng việc thay thế nguồn nước “bẩn” là rất cấp bách. Trước khi được huyện báo cáo tỉnh, các làng TĐC dự án hồ Định Bình đã chờ nước sạch 3 năm rồi, hy vọng sắp tới họ không phải tiếp tục… chờ nữa(?).