Trong khi Việt Nam còn thiếu quá nhiều cơ sở pháp lý để đẩy nhanh hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì việc nâng cao nhận thức của nhà quản lý là hết sức cần thiết.
Nhận thức lệch lạc về tiết kiệm năng lượng
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết: “Trong giới quản lý có không ít người hiểu không đúng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Nhiều nhà quản lý cho rằng: Tiết kiệm là cắt điện, rồi giao chỉ tiêu sử dụng điện cho doanh nghiệp (DN) theo quan điểm năm sau bằng hoặc thấp hơn năm trước, mà bất chấp sự tăng trưởng về quy mô sản xuất của DN. Nhưng khi bị cắt điện, DN phải mọi tìm cách có điện để duy trì sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, ngoài hệ thống phát điện của ngành điện, trong xã hội còn có nguồn phát điện khác từ các DN. Rồi DN cũng phải tốn dầu, xăng để chạy hệ thống phát điện đó.
Nếu tính đầy đủ, sự tồn tại của hai hệ thống phát điện này không mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây lãng phí lớn. Vì chi phí năng lượng của DN sẽ tăng lên, do phát điện đơn lẻ. Cả nước cũng phải tốn năng lượng hóa thạch để duy trì hệ thống phát điện này, môi trường cũng phải gánh lượng khí thải nhà kính này…
Quản lý phải khoa học hơn
Ông Huỳnh Kim Tước giải thích, tiết kiệm năng lượng là sử dụng năng lượng đúng mục đích, đúng thời điểm, đúng chỗ và đúng lượng.
Do chưa nhận thức đầy đủ về khái niệm này nên dẫn đến những bất cập trong quản lý. Hiện nay, hầu hết cơ quan quản lý ở nước ta chưa tiếp cận được các chỉ tiêu năng lượng.
Trên thế giới, để đánh giá hiệu quả của một nền kinh tế, người ta thường quan tâm đến hai chỉ tiêu: cường độ năng lượng và hệ số đàn hồi năng lượng. Cường độ năng lượng là năng lượng cần thiết để tạo ra một đơn vị GDP. Thí dụ, ở VN hiện nay phải cần đến 500 kg dầu quy đổi mới tạo ra 1.000 USD cho GDP, trong khi ở Nhật chỉ cần 100 kg dầu quy đổi.
Còn hệ số đàn hồi năng lượng là nhu cầu tăng trưởng năng lượng/ tăng trưởng của GDP. Thí dụ, ở VN nhu cầu tăng trưởng năng lượng mỗi năm là 14%, trong khi GDP tăng trưởng trên 7%. Như vậy, hệ số đàn hồi năng lượng của VN khoảng 1,86. Hệ số này càng cao thì nền kinh tế càng kém hiệu quả.
Hiện nay, hệ số này của Thái Lan chỉ có 1,3-1,4 và họ phấn đấu giảm xuống còn 1,1 trong 5 năm tới. Trong khi đó, ở VN các nhà quản lý phần lớn chưa quan tâm đến hai chỉ tiêu này.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công thương, hiện nay, khả năng tiết kiệm năng lượng theo ngành như sau: Công nghiệp xi măng 50%, công nghiệp gốm 35%, phát điện bằng than 25%, dệt – may mặc 30%, các tòa nhà thương mại 25%, công nghiệp thép 20%, nông nghiệp 50%, chế biến thực phẩm 20%.