Nói đến tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề ngày càng trầm trọng ở tỉnh Hà Tây, không thể không nói đến "Bộ ba" làng nghề chế biến nông sản nổi tiếng là Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây.
“Bộ ba” làng nghề này có tổng dân số 32.130 người, mật độ dân số 2640 người/ km2, diện tích đất ở trung bình khoảng 100m2/ hộ. Bao gồm 100 hộ chuyên chế biến bột đao, 450 hộ chế biến sắn, 129 hộ sản xuất tinh bột, 54 hộ chuyên làm miến dong, 205 hộ chế biến bún phở khô, 64 hộ và 2 cơ sở chuyên nấu nha. Đất chật, người đông, xưởng sản xuất, khu chăn nuôi tập trung vào một chỗ khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Đến các làng nghề nói trên dễ thấy các mương tiêu nước thải đen ngòm, ứ đọng, mùi hôi thối nồng nặc. Đó là chưa nói đến lượng khí thải độc hại khi các hộ dân sử dụng khoảng 3.000-4.000 tấn than đá/năm. Nước thải từ nghề chế biến nông sản cộng với nước thải rửa chuồng trại gia súc, gia cầm cỡ 13.000 m3/ ngày đêm, chủ yếu không qua xử lý, xả trực tiếp vào hệ thống mương tiêu thoát rồi tuôn thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy. Nước thải, khí thải độc hại và chất thải rắn (bã dong riềng, sắn) làm cho các nguồn nước tại các làng nghề nơi đây bị nhiễm khuẩn cao gấp 5-8 lần mức cho phép; các bệnh về mắt, đường hô hấp cao gấp 3-5 lần so với các địa phương khác.
Năm 2002, xã Minh Khai hoàn thành công trình xử lý nước thải công suất 120m3/ ngày, nhưng khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn công trình đã bị ” đắp chiếu”, vì khi “xử lý” nước thải mùi hôi thối bay vào trường học khu vực liền kề. Tiếp đó xã Dương Liễu là nơi chế biến nông sản phát triển mạnh nhất đã giao việc quản lý vận hành công trình xử lý nước thải và sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn, dong riềng cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh. Song công trình này cũng không phát huy được hiệu quả như ý tưởng ban đầu. Được biết, cùng với việc rút kinh nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường chưa thành công tại “Bộ ba” làng nghề, UBND huyện Hoài Đức đã quy hoạch 12 ha ở xã Dương Liễu, 10 ha ở xã Minh Khai, 7 ha ở xã Cát Quế để đầu tư xây dựng 3 điểm công nghiệp, nhằm tách khu sản xuất chế biến nông sản ra khỏi khu dân cư.