Đó là mục đích mà UBND TPHCM hướng tới khi triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn thành phố. Theo đó, các công ty có hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu mức xử phạt cao nhất. Trường hợp tái vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Kiểm tra đến đâu, vi phạm đến đó
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, biện pháp mạnh trên xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc đã đầu tư nhưng không chịu vận hành vì sợ tốn chi phí.
Kết quả thanh tra của sở phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tình trạng vi phạm và tái vi phạm Luật BVMT diễn ra khá nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể trong năm 2004, thanh tra 88 đơn vị thì có đến 62 đơn vị vi phạm bị xử phạt. Năm 2005, có 143/164 đơn vị bị thanh tra vi phạm.
Còn trong năm 2006, có đến 206/291 đơn vị bị thanh tra có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép; thực hiện giám sát môi trường khí thải, nước thải định kỳ chưa đúng quy định … Kết quả phân tích 45 mẫu nước thải được lấy trong tháng 8-2007 tại 5 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) thì chỉ có 1 mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép, 44 mẫu còn lại đều không đạt. Trong đó, các mẫu nước thải của 3 KCN Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Bình Chiểu vượt tiêu chuẩn cho phép 100 lần; mẫu nước thải KCN Tân Thới Hiệp vượt tiêu chuẩn từ 10 tới dưới 100 lần và mẫu nước thải KCN Lê Minh Xuân vượt tiêu chuẩn cho phép 2 lần.
Tại các doanh nghiệp, tình trạng vi phạm quy định môi trường rất phổ biến. 20/21 cơ sở xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép; 10/21 cơ sở được thanh tra không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 7/21 cơ sở vi phạm quy định quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định bảo vệ môi trường. Điều này cho thấy, các biện pháp xử lý bằng tài chính chưa đủ sức răn đe và buộc doanh nghiệp phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể, đã có nhiều doanh nghiệp dù bị kiểm tra xử phạt những vẫn cố tình vi phạm nhiều lần.
Thắt chặt bằng giải pháp kinh tế
Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND các quận – huyện, Ban quản lý KCX – KCN tổ chức kiểm tra và có hình thức xử lý thật nghiêm đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. Riêng đối với những KCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như Cát Lái, Bình Chiểu và Tân Phú Trung (khởi công tháng 08/2007) phải đảm bảo hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2007.
Các cơ sở đã hoạt động trong KCN Tân Phú Trung nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường, ông Tín yêu cầu Sở TN-MT tiến hành kiểm tra và xử phạt với mức cao nhất theo luật và sau 1 tháng kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt mà các cơ sở không tiến hành xử lý ô nhiễm thì tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để ngừng ngay việc gây ô nhiễm. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Ban quản lý KCX – KCN làm việc trực tiếp và có hình thức bắt buộc các chủ đầu tư các KCN, cụm công nghiệp mới phải triển khai ngay việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung khi được giao đất triển khai dự án.
Thực hiện chỉ đạo này, Sở TN-MT đã ban hành 16 quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường đối các đơn vị có hành vi gây ô nhiễm môi trường như Công ty cổ phần Phát triển Sài Gòn Tây Bắc, Đầu tư xây dựng Bình Chánh, Công ty Liên doanh Nhôm Việt – Nhật, Nhà máy Sữa Sài Gòn, Công ty XNK và Đầu tư Chợ Lớn, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, DNTN Thăng Long, Công ty TNHH Dệt nhuộm Xuân Hương, Sung Yu, Kim khí Thăng Long, Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhất Trí, Đầu tư Xây dựng Kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tân Thới Hiệp, Liên doanh Excel Kind, Việt Nam Northern Viking Technologies, Ngọc Minh, Posvina.
Tuy nhiên, hình thức xử phạt hành chính chỉ mới là bước đầu. Điều đáng nói là trong các quyết định xử phạt đều ghi rõ thời gian mà doanh nghiệp cần phải khắc phục tình trạng gây ô nhiễm của mình. Trường hợp doanh nghiệp cố tình không chấp hành hoặc tái phạm, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường thì sở sẽ đề xuất với UBND TPHCM tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Có thể nói, tính cho đến thời điểm này, đây là biện pháp mạnh cần thiết và hữu hiệu nhằm chấm dứt tình trạng đổi môi trường để phát triển kinh tế.