Những cơn bão cát tại Tây Bắc Trung Quốc hiện đang huỷ hoại nhiều nơi trên Vạn lý Trường Thành. Nhiều đoạn trên bức tường Thành này đã bị cát phủ. Nhà chức trách địa phương tỏ ý lo ngại rằng, nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra, những đoạn Tường thành này có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong vòng 20 năm tới.
Chỉ mới một tháng trước đây, Vạn Lý Trường Thành , đã được chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới. Hàng năm, kỳ quan thế giới trải dài hơn 6.400 km này tiếp đón khoảng 10 triệu du khách.
Tờ Tân Hoa xã trích dẫn lời của Giám đốc bảo tàng địa phương – ông Zhou Shengrui, hơn 60 km của bức tường tại huyện Minqin, tỉnh Gansu, được xây dựng vào thời nhà Hán. Nó được xây dựng suốt từ năm 206 trước CN đến năm 220 sau CN, hiện đang đứng trước nguy cơ biến mất. Trong vòng 20 năm qua, hơn 40km tường thành tại đây đã bị phá hỏng và hiện địa phương này chỉ còn lại 10km.
Ông nói: “Đoạn tường thuộc Vạn Lý Trường Thành đã được làm bằng bùn chứ không phải bằng đá hay gạch nên dễ xảy ra xói mòn hơn những đoạn khác. Thêm vào đó, vì nó được làm bằng bùn nên theo thời gian bức tường bị sụt xuống, vỡ vụn và bị gió thổi bay. Hiện tượng xói mòn tương tự cũng xảy ra tại những đoạn khác, nhưng ở đoạn Tường tại địa phương này bị tàn phá nặng nề nhất”.
Một nguyên nhân nữa là việc đào mương dẫn nước tại Minqin để phục vụ nông nghiệp vào những năm 1950 tại đây đã ảnh hưởng tới hệ sinh thái tại vùng này. Hậu quả là huyện này nay thường là nơi bắt đầu của những cơn bão cát tại Tây Bắc Trung Quốc.
Một hậu quả nữa mà Vạn Lý Trường Thành phải gánh chịu đó là độ cao bị giảm từ 5m xuống dưới 2m tại nhiều điểm. Do vậy, những cửa sổ của Thành tại những điểm lún sụt cũng đã hoàn toàn biến mất.
Vạn Lý Trường Thành đã được Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách Di sản của Thế giới vào năm 1987. Mặc dù đã được sửa sang nhiều lần nhưng nhiều đoạn tường thành vẫn không chống đỡ nổi hiện tượng xói mòn, sự tàn phá của thiên nhiên và con người.