Máy bay có thể ảnh hưởng đến khí hậu vì sử dụng dầu kerosene nên thải khí độc, góp phần thúc đẩy hiệu ứng nhà kính. Trong tương lai, tình hình này sẽ thay đổi.
Một du khách bay khứ hồi tuyến
Trên bình diện thế giới, máy bay ít gây hại hơn xe hơi. Năm 2000, lượng CO2 do máy bay thải ra là 664 triệu tấn, chỉ chiếm 2% lượng khí cacbon do cả hành tinh thải ra. Tuy nhiên, vấn đề là việc vận chuyển bằng máy bay mỗi ngày một tăng. Trung bình hằng năm có 2 tỉ hành khách đi lại bằng đường hàng không. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 9,5 tỉ. Hậu quả: 43 năm nữa CO2 do máy bay thải vào khí quyển sẽ tăng gấp ba lần hiện nay.
Từ tháng 12/2006, Ủy ban châu Âu đã ban hành một hệ thống hạn ngạch về khí thải đối với các hãng hàng không đang bay trên bầu trời các nước thuộc Liên minh châu Âu. Ủy ban này còn đòi các nhà sản xuất máy bay phải phát triển các công nghệ thân thiện hơn với môi trường. Nhiều nhà sản xuất đang phát triển các loại động cơ thân thiện với môi trường. Mục tiêu đến năm 2015, sản xuất được các loại máy bay thải CO2 ít hơn hai lần hiện nay.
Hiện nay, cứ mỗi hành khách bay 100km thì máy bay đốt khoảng 3,5 lít kerosene. Con số này sẽ giảm xuống 2,9 lít đối với các máy bay như 787 của Boeing hoặc A380 của Airbus. Giảm tiêu thụ nhiên liệu đồng nghĩa với giảm khí thải.
Từ nhiều năm nay các loại máy móc không sử dụng kerosene cũng đã được nghiên cứu như động cơ Solar Impulse của Bertrand Piccard (dùng năng lượng mặt trời) hoặc tàu lượn của Hãng Boeing (dùng pin nhiên liệu). Theo dự trù, các loại sản phẩm mới này sẽ được thử nghiệm vào năm 2008.
Hãng Snecma của Pháp đã thử nghiệm “dầu máy bay”, trong đó dầu sinh học sản xuất từ cải colza chiếm 30%. Boeing cho biết sẽ cho một chiếc B747-400 bay thử với một hỗn hợp nhiên liệu tương tự vào năm tới.
Cho tới nay, không thể sử dụng 100% nhiên liệu sinh học cho máy bay vì các loại nhiên liệu từ dầu thực vật có mặt trên thị trường hiện nay sẽ bị đông cứng ở độ cao 11.000m, khi nhiệt độ xuống dưới 420C. Vì thế các nghiên cứu đều tập trung vào loại “dầu kerosene tổng hợp” sản xuất từ phế phẩm của thực vật hoặc khí thiên nhiên.