Một điều hết sức khó hiểu là, sau những gì mà dư luận lên tiếng, tình trạng lấn biển vẫn tiếp tục xảy ra ở vịnh Nha Trang. Cho đến lúc này, hậu quả từ việc lấn biển đã là điều thấy rõ và để giải quyết hậu quả không phải là chuyện đơn giản. Đây thực sự đặt ra thêm một bài toán phát triển bền vững đối với các địa phương có biển.
Để hạn chế tình trạng lấn biển, tường rào được dựng lên. Phía bên trong tường rào, biển lại tiếp tục bị lấn để phục vụ cho một dự án xây dựng. Công việc lấn biển diễn ra có vẻ âm thầm, đất đá được san ủi xuống biển. Vị trí lấn biển này nằm ở phía bắc thành phố Nha Trang, nơi những năm trước hàng loạt dự án lấn biển được triển khai.
Cách đây hai tháng, Hòn Tằm trên vịnh Nha Trang đã bị san ủi nham nhở. Khi đó khó tính được có bao nhiêu m3 đất đá chôn vùi nền rạn san hô mà vịnh Nha Trang có tiếng là phong phú. Bây giờ, việc lấn biển ở Hòn Tằm đã chấm dứt, nhưng những gì để lại là sự biến dạng của Hòn Tằm và môi trưởng biển bị ảnh hưởng.
Những dự án lấn biển dù đang hay đã thực hiện, dù được phép hay không đều không được các nhà môi trường đồng tình. Bởi hơn ai hết, chính họ đã nhận ra những tác động xấu đến môi trường từ việc lấn biển. Trong vòng 10 năm qua, sự suy giảm của dải san hô tại một số vị trí khảo sát của các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang đã lên đến 31%, kéo theo sự nghèo nàn của các loài cá rạn.
Chưa có một thống kê nào về diện tích bề mặt biển bị san lấp, nhưng điều dễ thấy là tình trạng này xảy ra tại nhiều vị trí ở vịnh Nha Trang. Vấn đề đặt ra ở đây là sự quản lý đã chặt chẽ và có tính đến bài toán bền vững hay chưa?
Bàn về vấn đề quản lý, khai thác vịnh Nha Trang, nhiều nhà khoa học đều đồng tình với giải pháp phải đưa Nha Trang vào quản lý tổng hợp, tạo ra sự thống nhất trong quản lý, khai thác giữa các ngành. Hậu quả từ lấn biển mà vịnh Nha Trang gánh chịu, xét cho cùng là do chưa có sự thống nhất ở khâu quản lý, khai thác, chú trọng việc lấy ý kiến phản biện trước khi triển khai bất kỳ dự án xây dựng nào.