ThienNhien.Net – Luật pháp Trung Quốc cấm hành vi tiêu thụ các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy vậy, hoạt động này vẫn diễn ra trên quy mô lớn ở miền Nam Trung Quốc đe doạ tương lai của các loài động vật hoang dã không chỉ của quốc gia này mà cả nhiều nước khác trong khu vực. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Walter Parham, một tiến sĩ thuộc trường Đại học Illinois (Mỹ), người đã nghiên cứu về vấn đề này cùng các cộng sự của mình.
Việc con người phá huỷ môi trường sống của động vật hoang dã ở miền Nam Trung Quốc bắt đầu từ khoảng 1000 năm trước và còn tồn tại đến tận ngày nay. Điều này làm suy giảm nghiêm trọng các quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên và khiến nhiều loài bị tuyệt chủng.Tuy nhiên, tình trạng còn tồi tệ hơn khi người dân sử dụng động vật hoang dã làm thức ăn và vị thuốc Y học cổ truyền Trung Hoa.
Ai đó có thể đã nghĩ rằng sức ép lên tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm đi khi chất lượng giáo dục và mức thu nhập thành thị ở địa phương được cải thiện. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Thực tế đã cho thấy, lượng tiêu thụ động vật hoang dã chỉ giảm đi thực sự vào năm 2003, khi bệnh dịch SARS bắt nguồn từ động vật hoang dã hoành hành khiến những người dân trở nên nghi ngại. Cuối năm 2004, vì lo sợ trước dịch bệnh này, nhu cầu thịt cầy hương đã giảm xuống kỷ lục, đến mức 141 trại nuôi đã quyết định thả 4.000 con cầy hương về tự nhiên. Và sau này, dịch cúm gia cầm cũng góp phần làm tăng thêm nỗi nghi ngại này.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng ăn thịt động vật hoang dã là một thói quen xấu, và thậm chí một số còn nhận xét rằng đó là hành vi man rợ, tuy nhiên, việc giết các con vật để làm thức ăn đã không thay đổi trong suốt 2000 năm qua. Một cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành ở tỉnh Quảng Đông năm 2003 cho thấy một nửa số dân địa phương có ăn thịt động vật hoang dã, trong đó rắn là loài bị tiêu thụ nhiều nhất, chiếm tới 45% số người được hỏi.
Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn từ các tỉnh, thành lớn ở miền Nam Trung Quốc như Hồng Kông, Thẩm Quyến, Quảng Châu, đã có một lượng lớn dân trí thức thành thị du lịch đến các thành phố khác trong Trung Hoa đại lục nhậu các loài thú rừng quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng – chỉ cốt nhằm phô trương sự giầu có của mình. Thực đơn trong các bữa nhậu này thường có các món chế biến từ rắn hổ mang và các loại rắn độc khác, tê tê và cầy hương
Những con số dưới đây có thể khiến nhiều người phải giật mình:
– Tờ Tin Sáng Nam Hoa cho biết,mỗi ngày có đến 20 tấn rắn và khoảng 20.000 con chim bị giết mỗi ngày trong các nhà hàng ở Quảng Đông (năm 2001).
– Vào những tháng đầu năm Tỵ (2001), nhà hàng “Chock Full O’Snakes” cũng ở Quảng Châu phục vụ trung bình mỗi ngày 600 đến 700kg thịt rắn.
– Một số nhà hàng phục vụ thịt thú rừng lớn ở Quảng Châu có sức chứa tới 1.000 thực khách.
Năm 2001, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức phạt từ 1.000 – 10.000 nhân dân tệ đối với những người có hành vi ăn thịt động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng. Mặc dù vậy, đến năm 2004, Cục Quản lý Lâm nghiệp nước này đã tuyên bố quần thể rắn hổ mang đã giảm đến 90% so với thập kỉ trước, còn số lượng rắn ráo giảm 75%.
Nhu cầu tiêu thu thịt thú rừng ở tỉnh Quảng Đông vẫn duy trì ở mức cao trong khi số lượng động vật hoang dã ngày càng khan hiếm cũng có nghĩa lượng động vật hoang dã tuồn từ các tỉnh miền Nam khác, cũng như từ các nước châu Á khác như Inđônêxia, Thái Lan, Malayxia, Ấn Độ và Việt Nam – thậm chí từ cả các nước châu Phi đang gia tăng. Việc nhập lậu số động vật hoang dã này hiển nhiên sẽ kéo theo việc gây áp lực cho quần thể động vật ngoài tự nhiên ở các nơi đó.
Nghiên cứu cho biết nạn buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng cũng đang diễn ra phổ biến ở khu vực giáp Hồng Kông, do các loài này được ưa chuộng và có giá cao trên thị trường tiêu thụ ở Trung Hoa đại lục .
Số liệu từ cảnh sát Hồng Kông cho biết: Năm 2001, chính quyền Hồng Kông đã phát hiện vụ vận chuyển 2,7 tấn vẩy tê tê (khối lượng tương đương với khoảng 5000 – 6000 con tê tê bị giết). Năm 2002, cảnh sát đã truy đuổi và bắt giữ một vụ buôn bán 600 con rắn hổ mang nhập lậu vào Hồng Kông từ Malayxia. Còn năm 2005, cảnh sát cũng đã bắt giữ một tàu có chở 1.800 con tê tê bị cất giấu khá tinh vi. Mặc dù vậy, những dẫn chứng trên chỉ là một phần nổi của tảng băng lớn.
Dịch SARS bùng nổ năm 2003 đã gây ra mỗi lo ngại khắp Trung Quốc về nguy cơ mắc bệnh khi ăn thịt thú rừng. Các chuyên gia y học đã đưa ra những nghi vấn về sự liên hệ giữa SARS và việc vận chuyển, ăn thịt 1 số loài động vật hoang khiến chính phủ Trung Quốc đã phải đóng cửa và di dời một số chợ động vật hoang dã cũng như nhiều nhà hàng phục vụ thịt thú rừng. Khi dịch SARS lên đến đỉnh điểm, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cấm hoạt động nhân nuôi, tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.
Nhưng tình trạng này cũng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn và đã hồi phục ngay sau khi cơn khủng hoảng SARS đi qua. Những nỗ lực mới đây của lãnh đạo ngành y tế tỉnh Quảng Đông năm 2007 nhằm tịch thu cầy hương chỉ thu được 15 con cầy hương và 22kg thịt cầy hương cốt lết. Các nhà chức trách quản lý y tế thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông gần đây đã cấm việc ăn thịt chuột đồng, sau khi phát hiện những người bán rong dùng thuốc độc để bắt chuột bán cho các nhà hàng.
Mặc dù gần đây có những bằng chứng cho thấy lượng tiêu thụ động vật hoang dã đã giảm bớt, nhưng cũng còn nhiều lý do để nghi ngờ hoạt động buôn lậu vẫn đang tiếp diễn. Nếu trong thời gian tới không có một sự việc nào kiểu như đại dịch SARS xảy ra, liệu công chúng có thoả mãn và gia tăng việc ăn thịt thú rừng không? Và liệu việc thực hiện các hoạt động giáo dục về môi trường có thay đổi thói quen ăn uống của người dân nơi đây không? Chúng ta chỉ có thể hy vọng, nhưng riêng tôi thì tôi không dám đảm bảo điều đó.