Sau "vụ án gỗ" chấn động cả nước xảy ra ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh năm 2002, trung tuần tháng 8 năm nay, cơ quan chức năng lại phát hiện một vụ án gỗ đặc biệt nghiêm trọng: 147 gốc gỗ trắc cổ thụ lại bị lâm tặc đốn hạ.
Đây là “dư chấn” xảy ra ngay sau “chiến dịch” khai thác gỗ huỳnh đàn, cũng tại vùng rừng quốc gia Kon Ka Kinh, thuộc địa bàn huyện Kbang, Gia Lai.
“Bão” lại qua rừng
Ngày 22/08, sau những phát hiện ban đầu, đoàn liên ngành do Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (VQG KKK) Trần Văn Thiệu dẫn đầu chính thức kiểm tra tại các tiểu khu 85, 88 (địa bàn hành chính thuộc xã Kroong, Kbang) đã ghi nhận: Có ít nhất 147 cây gỗ trắc (nhóm 2A) bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp. Đường kính gốc lớn nhất đo được tới 60cm, bình quân là 35cm; tổng khối lượng gỗ bị hạ ước tính gần 100m3.
Ba đối tượng lâm tặc làm thuê bị bắt quả tang tại hiện trường (hiện đã bị các cơ quan chức năng “di lý” vào rừng dựng lại hiện trường). Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất xảy ra tại đây sau vụ án từ năm 2002.
Hiện tại trên thị trường, gỗ trắc rất được ưa chuộng cho công nghệ chế tác đồ gia dụng cao cấp; với giá là 20 triệu đồng/m3 tại “cửa rừng”, ra đến thị trấn huyện lỵ Kbang, thị xã An Khê (Gia Lai)… đã lên tới 40-50 triệu đồng/m3, chưa kể đi các tỉnh. Đây là giá cho gỗ “trắc xương”, còn “trắc thịt” – tức gỗ trắc nguyên hộp, nguyên tấm, giá còn cao hơn nhiều.
Ghi nhận tại hiện trường cho biết: Số gốc trắc này đã bị đốn hạ cách đây chừng 2 tháng, một số tàn cây đã khô; một số khác còn tươi rói. Cũng tại các tiểu khu này, gỗ trắc, gỗ hương… vẫn còn mọc dày như… mía, chứng tỏ trữ lượng cũng như khả năng phá hoại của lâm tặc là còn rất lớn.
Theo lời một cán bộ lãnh đạo, thì nếu mở rộng điều tra, chắc chắn lượng gỗ thiệt hại không chỉ dừng ở con số 147 gốc. Đây cũng là mục đích của chuyến điều tra phối hợp giữa CA tỉnh GL, Chi cục Kiểm lâm.
Một cán bộ kiểm lâm cho biết: “Địa bàn hoạt động của lâm tặc còn ở sâu trong ruột rừng KKK; để lấy ra những phiến gỗ quý hiếm, các đối tượng phải đi bộ tới 2 ngày, nếu đi đường vòng qua sông La Bà phải mất tới 4-5 ngày”.
Kiểm lâm sợ lâm tặc
VQG KKK rộng tới 42.000ha, thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh Gia Lai, nằm trên địa bàn các huyện: Kbang, Mang Yang, Đắc Đoa (Gia Lai) và giáp huyện Kon Rẫy (Kon Tum), còn đầy rẫy các loại gỗ đặc biệt quý hiếm như huỳnh đàn, trắc, hương, bách xanh, thông tre (nhóm 1A và 2A)… vốn là “mồi ngon” của lâm tặc lâu nay.
Lãnh đạo ngành kiểm lâm thú nhận: “Đến công an phối hợp kiểm tra chúng còn chẳng sợ, nói gì kiểm lâm – công cụ hỗ trợ thiếu thốn, lại sợ… lâm tặc”. Chính Giám đốc vườn Trần Văn Thiệu cũng nói: “Tuy trực bảo vệ tới 100% nhưng anh em chỉ toàn ở trạm, ít dám lên rừng vì… sợ lâm tặc; lại thiếu kinh nghiệm – 80% là kiểm lâm viên trẻ, mới ra trường và không báo cáo cụ thể, thường xuyên nên không có biện pháp phối hợp, ngăn chặn kịp thời”. Vậy nên mới hoành hành dai dẳng, nhiều lúc rộ lên. Thành phần cầm đầu toàn loại bất hảo đến từ phía bắc; lôi kéo theo dân địa phương…”.
Từ đầu năm đã có nhiều vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, đánh người, đập phá phương tiện; còn hăm doạ thì nhiều không kể xiết” – một “khổ chủ” là cán bộ kiểm lâm than thở. Xem ra, việc chặn từ xa – quản lý hành chính trên địa bàn – mới là cái gốc của vấn nạn.
Ngay sau vụ việc được phát hiện và “nóng” lên, hầu như toàn bộ lực lượng đã được tung vào trận: Trạm cửa rừng số 3 – nơi xảy ra vụ khai thác gỗ trắc – đã được tăng cường từ 6 người lên… 17 người; 24/24h, kể cả Hạt trưởng kiêm Phó Giám đốc VQG KKK; Hạt Kiểm lâm Kbang cũng cử người tăng cường vào rừng; CA huyện cũng rốt ráo phối hợp. Thế nhưng, nhìn một cách lạc quan, mới chỉ “nguội” ngay vùng hiện trường khai thác.