Hơn một tháng qua, không kể ngày hay đêm tại khu vực đồi Pù Le, thôn Tú Tạo, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) lúc nào cũng đầy ắp người đào đãi vàng sa khoáng trái phép. Quả đồi, vốn là khu rừng được giao theo diện "đất 02", nay bị phá tan hoang.
Người may mắn đào được cả 1kg vàng là chuyện có thật, nên khiến ngày càng thêm nhiều cư dân từ các xã lân cận kéo về đồi Pù Le dựng lán khai mỏ…
Đông như trẩy hội
Xuân Chinh là một xã thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nằm heo hút bên sườn núi cao cách trung tâm huyện đến 30km, thời gian qua nhộn nhịp hẳn lên bởi người, xe ra vào tấp nập. Dọc theo con sông Ác đã hình thành từng tốp người, mỗi tốp khoảng 20 phụ nữ, trẻ em đang mải mê ngồi lắc máng tìm mạt vàng. Một ngày như vậy họ kiếm được 30-40 nghìn đồng.
Đi sâu dần vào bên trong, cảm giác ghê sợ bắt đầu hiện hữu trong đầu, khi trước đó phóng viên nhận được thông tin có một số “chủ bưởng” giám sát mọi hoạt động của đám thợ. Trên con đường mòn nhầy nhụa bùn đất đỏ quánh và sâu hun hút, cứ cách vài trăm mét lại thấy một nhóm người hý hoáy ngồi đãi vàng. Họ bắt đầu nhìn kẻ lạ mặt xuất hiện với ánh mắt soi mói rất bí hiểm.
Dừng chân ngay mép đồi Pù Le trò chuyện cùng đám người giám sát đội quân đang ngồi dưới suối lùa đất trôi theo dòng nước để mong tìm thấy những tấm kim loại nhỏ li ti như hạt cám bám lại dưới đáy máng, không ai chịu hé răng nói một câu nào tạo nên cảm giác khá căng thẳng. Liều một phen, chúng tôi đi ngược lên đỉnh Pù Le là tâm điểm của cuộc tàn sát lòng đất tìm vàng.
Con đường dốc dựng đứng nhưng nhẵn bóng bởi có quá nhiều người qua lại mỗi ngày. Trên đỉnh đồi khoảng 700-800 người cả đàn ông, đàn bà, thanh niên đang ngồi la liệt ở các cửa hầm chờ đến lượt mình vào lấy đất. Và ở dưới lòng đất, theo ước tính cũng phải có thêm vài trăm người nữa. Cứ thế, từng xô đất do các thợ lò đang hì hục đào dưới “âm ti” được cẩu lên, đóng vào tải rồi đưa đi đãi hoặc mang về nhà cất giấu. Họ “thi đua” bới tìm thông ngày đêm vì ai cũng muốn giành được thật nhiều vàng.
Một người đàn ông tự xưng tên Thành kể rằng ở đây có nhiều lò đào được hàng kilogam vàng. Còn việc kiếm năm bảy lạng, mấy cây là chuyện thường ngày. Ông Thành cũng khẳng định, chính hầm của ông, trong vòng 1 tuần qua đã đào được 2,6 cây vàng nhưng như vậy là quá ít vì chưa gặp may, không gặp vỉa lớn.
Cầm Thị Thắm nhận mình là người thôn Tú Tạo tỏ vẻ rất tự hào vì cô đã có được một khoản tài sản lên đến khoảng 6 triệu đồng trong thời gian chỉ hơn 10 ngày trời. Hầm của Thắm bắt đầu khai thác từ ngày 14-25.8 được tổng thể 5,8 cây vàng, chia cho 4 người vác đất, mỗi người 2 chỉ. Còn lại 5 cây chia đều cho 10 người chung lò, mỗi người 0,5 cây.
Nguy cơ sập hầm chết hàng loạt
Lấy hết can đảm, tôi theo chân một thợ lò tên Sinh đi sâu vào lòng đất ở một hố đào xuyên ngang đồi Pù Le. Lòng hang chỉ vừa đúng một thân người ngồi cúi lom khom. Anh Sinh đi trước rọi đèn pin, tôi mò mẫm theo sau. Chui vào khoảng 10m thì thấy có hố ăn sâu theo chiều dọc kiểu người ta đào giếng. Dưới hố này 3 người đàn ông mặc duy nhất chiếc quần đùi đang dùng xà beng đào ngoáy.
Phía trên miệng hố, hai người phụ nữ ngồi chờ để đưa đất ra ngoài. Vượt qua cửa ải đầu tiên, tiếp tục chui vào sâu hơn, thấy 2 bên hông của hang, nhiều chỗ thợ lò đào vào các vỉa đất có vàng tạo nên hàm ếch treo lơ lửng. Có tiếng bụp bụp vọng lại, anh Sinh nói: “Thợ lò ở một hầm khác đang lấy đất sắp xuyên thông sang hầm này”. Tôi bắt đầu thấy ngột thở, tức ngực. Sinh hô: “Lên thôi, đi tiếp chú không chịu nổi đâu”.
Nhanh như sóc, anh Sinh trèo rẽ ngược lên một cửa khác chổng ngược lên trời. Anh đưa chân cho tôi bám tay vào để cẩu lên một sàn nhỏ được lắp ghép bằng các cây nứa. Nếu Sinh “chơi bẩn” chỉ cần vẩy chân một cái là tôi sẽ rơi ngay xuống “địa ngục”. Nhưng cuối cùng cuộc thám hiểm cũng đã kết thúc tốt đẹp, thân hình tôi nhem nhuốc đất đỏ giống hệt thợ đào vàng.
Hàng nghìn người vì lòng tham, vì lợi nhuận đang bất chấp mọi hiểm nguy mà quên đi tính mạng của mình. Chính những “lao động” đi làm vàng khẳng định, đã có khoảng trên 30 hầm khai thác được đào sâu vào trong đồi Pù Le. Bên dưới lòng đất cơ bản đã bị đục rỗng chỉ còn lại những “chân tượng – tức những trụ đất dành lại làm cột” yếu ớt chống đỡ cả nghìn khối đất phía trên.
Một chủ lò nghĩ tới điều tồi tệ nhất: “Chưa xảy ra sập hầm, chưa có người nào bị chết do đào vàng là bởi thời gian khai thác rầm rộ mới xảy ra khoảng hơn một tháng. Nếu tiếp tục khoét sâu xuống và lòng tham trỗi dậy, những người thiếu lương tâm có thể lấy nốt các chân tượng vì chắc chắn ở chân tượng sẽ có vàng, thậm chí có rất nhiều vàng thì thảm hoạ khó tránh khỏi”.
Tại một hố đào vuông vức và thẳng tắp sâu hun hút, “thợ mỏ” cho biết, hố đã đi xuống lòng đất khoảng 30m và rẽ ngang sang mấy hướng khác nhau. Chúng tôi đã nhìn thấy ở hố này những vết nứt lớn chẻ dọc xuống rất nguy hiểm.