Bán rác y tế bị xử lý

Trung tuần tháng 8, lực lượng liên ngành vừa phát hiện 2 xe chuyển nhiều bao đựng chai lọ, vỏ thuốc ống nhựa truyền dịch, xi lanh (có những chiếc còn dính máu)… từ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ra ngoài, tổng trọng lượng 973 kg.

Bán rác thải bệnh viện ra ngoài

Hồi 14 giờ ngày 10/08 tổ công tác của Cục Cảnh sát môi trường phát hiện 2 xe ô tô tải. Một xe mang BKS: 29V-8340, do Nguyễn Huy Tín (sinh năm 1962) điều khiển, trên xe chở nhiều bao tải nghi chứa rác thải y tế đi ra từ điểm tập kết rác thải y tế của Bệnh viện Việt – Đức đến xóm Lẻ, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Tổ công tác đã phối hợp với Cục C15 – Bộ Công an kiểm tra và phát hiện trên xe có 55 bao tải, 2 túi nilon màu vàng chứa chai lọ, vỏ thuốc mang nhiều nhãn, mác khác nhau, ống nhựa truyền dịch, xi lanh…; có những chiếc còn dính máu. Tổng trọng lượng 676 kg. Chủ hàng là Triệu Thị Quý (sinh năm 1957 ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đang đưa về cơ sở sản xuất tại gia đình để tái chế.

Một xe tải khác, BKS: 30H-7937, lái xe là Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1959, ở 14 Phố Vọng, Hà Nội) cũng bị phát hiện khi chở nhiều bao tải từ điểm tập kết chất thải y tế của Bệnh viện Việt Đức đến ngõ 715 đường Hồng Hà, tổ 16, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Qua kiểm tra đã phát hiện trên xe có 16 bao tải chứa chai lọ, vỏ thuốc mang nhiều nhãn, mác khác nhau, ống nhựa truyền dịch, xi lanh… có những chiếc còn dính máu. Tổng trọng lượng 297 kg.

Chủ hàng là Phạm Thị Vân (sinh năm 1960) và chồng là Phạm Tiến (sinh năm 1960), ở thôn 4, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). 

Cục Cảnh sát môi trường đã lập biên bản, lấy lời khai ban đầu của chủ hàng và các đối tượng có liên quan.

Theo lời khai của các lái xe và chủ hàng, đây là chất thải y tế được Bệnh viện Việt-Đức bán lại cho họ với giá 6.000 đồng/1kg nhựa, 300 đồng/kg chai, lọ thuỷ tinh to, 1.500 đồng/kg chai, lọ thuỷ tinh nhỏ. Số hàng trên được mua về để tái chế lại. Các chủ hàng đã mua rác thải của Bệnh viện Việt – Đức từ tháng 10/2006 đến nay.
 
Trước sự việc trên, ông Lê Văn Bình -Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt – Đức cho biết: Bệnh viện Việt-Đức giao cho khoa Chống nhiễm khuẩn thu gom, phân loại tất cả các loại rác thải y tế trong bệnh viện; việc xử lý rác thải y tế đã được bệnh viện ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp -y tế thu gom, vận chuyển và xử lý. Thường khoảng từ 2 – 3 ngày ô tô của xí nghiệp đến nhận tất cả các loại rác thải y tế tại điểm tập kết của bệnh viện.

Ông Bình nói không biết rác thải y tế của bệnh viện đã được bán ra ngoài cho tư nhân nhưng thừa nhận: “Có hai khâu chưa chặt chẽ trong công tác quản lý rác thải y tế của khoa. Đó là ký trước giấy bán phế liệu rác y tế cho phép tái sử dụng mà không kiểm tra cụ thể từ khâu cân đến khi đưa lên xe ra ngoài bệnh viện; và do trình độ có hạn, tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao quá kém… nhân viên được giao quản lý kho đựng rác thải y tế đã lén lút lọc chọn các loại không được phép sử dụng để bán’’.

Trước sự việc trên, Cục Cảnh sát môi trường đã phối hợp với Thanh tra (Bộ Tài nguyên và môi trường) lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường vì đã có hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng quy định; không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại mà trong trường hợp này phải lập hồ sơ đăng ký với cơ quan chuyên môi về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Đối với 973 kg chất thải y tế đã thu giữ,Cục Cảnh sát môi trường đã giao cho Xí nghiệp Xử lý chất thải Công nghiệp – y tế xử lý theo quy định.

Về sự việc trên, Cục Cảnh sát môi trường dó có báo cáo gửi lãnh đạo Tổng cục cảnh sát kết quả điều tra, phát hiện và xử lý sai phạm trong lĩnh vực rác thải y tế tại Khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Việt-Đức.

“Đuổi việc nhân viên hợp đồng bán chất thải y tế”

Đó là khẳng định của BS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức ngày 28/8 về sự việc liên quan tới vụ bán chất thải y tế với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Tiến Quyết cho biết thêm: những nhân viên liên quan đến vụ việc trên là cán bộ hợp đồng thuộc khoa Chống nhiễm khuẩn của bệnh viện, không phải là bác sĩ của khoa.

Ông Quyết khẳng định: “Chủ trương của bệnh viện là không bán rác thải y tế. Chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty môi trường về thu gom rác thải. Khoa Chống nhiễm khuẩn có nhiệm vụ thu gom rác thải rồi chuyển cho phía công ty môi trường. Theo quy định của khoa thì chỉ được bán những thùng cat-tông thôi, ngoài ra không được bán bất cứ rác thải y tế nào khác như kim tiêm, lọ truyền dịch. Cá nhân nào bán những rác thải y tế như kim tiêm, lo truyền dịch sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật’’.

Cũng theo ông Quyết, sau vụ việc này Bệnh viện Việt -Đức sẽ chấn chỉnh việc thu gom rác thải y tế, giao cho tổ bảo vệ giám sát khi giao rác thải y tế cho bên công ty môi trường.