Phục tráng giống lúa bằng kỹ thuật mới

Tiến sỹ Nguyễn Công Thành và các cộng sự tại Phòng Thí nghiệm Di truyền – Chọn giống và ứng dụng CNSH, Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ đã ứng dụng kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE để cải thiện thành công phẩm chất nhiều giống lúa đặc sản đang bị thoái hóa của Đồng bằng sông Cửu Long.

Điện di protein SDS-PAGE (Sodium Dodecyl Sulfate PolyAcrylamide) là kỹ thuật phổ biến trong lĩnh vực công nghệ sinh học, có thể ứng dụng trên thực vật, động vật, vi sinh vật. Các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật này để phát hiện tính năng vượt trội của hạt lúa, giúp các nhà chọn giống theo hướng cổ điển phục tráng nhanh các giống đang bị thoái hoá trong sản xuất, xác định độ thuần hạt giống và sớm chọn tạo giống mới theo ý muốn. Ứng dụng kỹ thuật điện di Protein để lai tạo một giống rút ngắn thời gian từ 2-3 năm so với kỹ thuật AND.
 
Trong quá trình canh tác, do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và kỹ thuật canh tác, nhiều giống lúa bị thoái hóa, dẫn đến phẩm chất kém, năng suất giảm. Các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm Di truyền Chọn giống và Ứng dụng Công nghệ Sinh học thuộc Bộ môn Giống- Nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) đã ứng dụng kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE để cải thiện thành công phẩm chất nhiều giống lúa đặc sản đang bị thoái hóa của ĐBSCL như Nếp Bè 1-2, Jasmine 85, VD- 20…
 
Bên cạnh việc cải thiện phẩm chất giống cũ, Tiến sĩ Võ Công Thành và các cộng sự hướng tới việc tạo ra các giống lúa thơm hoàn toàn mới bằng kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE. Hiện nay, một giống lúa thơm mới được lai tạo giữa Jasmine 85 và một giống lúa cao sản ngắn ngày của Úc đã được các nhà khoa học chọn tạo thành công và đang tìm đơn vị để chuyển giao.
Nghiên cứu này góp phần duy trì ổn định phẩm chất của tập đoàn giống lúa thơm, đồng thời, làm cơ sở di truyền cho công tác chọn tạo giống lúa thơm chất lượng cao, bổ sung vào hệ thống canh tác lúa xuất khẩu của Việt Nam.