Phải có xăng tốt mới giảm ô nhiễm không khí

Ngày 27/08, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đã tổ chức hội thảo về kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – ông Nguyễn Văn Ban cho biết, cuộc hội thảo được tổ chức với mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp cho Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy để trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.

Hơn một nửa số xe máy xả khói độc
 
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, vào cuối năm 2006, cả nước có 18,4 triệu mô tô, xe máy lưu hành. Dự báo con số này sẽ tăng lên trên 20 triệu chiếc vào cuối năm nay và sẽ tăng lên 30 triệu chiếc trong tương lai không xa. Mô tô, xe máy đang chiếm đến 95% tổng số phương tiện vận tải đang lưu hành và trong 5 – 10 năm nữa vẫn là loại phương tiện giao thông chưa thể thay thế được. Đây chính là tác nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại các đô thị với việc thải ra hàng loạt chất độc hại như: CO, benzen, các hợp chất hữu cơ…
 
Việt Nam bắt đầu kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy được sản xuất, nhập khẩu mới theo tiêu chuẩn tương đương với Euro 2 kể từ đầu tháng 7 năm nay, trong khi xe đang lưu hành thì chưa được kiểm soát khí thải dưới bất kỳ hình thức nào. Ông Nguyễn Văn Ban cho biết, hầu hết xe vừa được nhập khẩu lượng phát thải đo được gần như bằng không, trong khi xe lắp ráp trong nước thì vẫn còn là chuyện “đau đầu”. Còn theo ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, kết quả điều tra, khảo sát vừa được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có đến 50 – 60% mô tô, xe máy đang lưu hành không đạt yêu cầu về khí thải.
 
Đã hết chì trong xăng chưa?
 
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 trước Việt Nam trong vấn đề kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy. Tại Đài Loan, từ đầu tháng 07/2007 đã áp dụng Euro 3 và chắc chắn nhiều nước sẽ áp dụng tiêu chuẩn này trong thời gian tới. Ông Phạm Quang Thành (Cục Đăng kiểm) đề nghị Việt Nam nên nghiên cứu xem xét áp dụng Euro 3 càng sớm càng tốt.
 
Trước mắt, để giảm ô nhiễm do khí thải từ mô tô xe máy, cần có những giải pháp phù hợp. Ông Cao Xuân Vịnh (Cục Đăng kiểm) cho rằng, nếu làm tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ sẽ giảm được 20 – 25% khí thải. Tuy nhiên, muốn đạt được điều này, trước tiên nhiên liệu đầu vào (xăng, dầu) phải thật tốt. Ông nói: “Nếu đi xe tốt mà dùng xăng xấu thì chẳng khác nào như người điên cầm búa gõ nát máy xe ra vậy”. Ông Vịnh quan tâm đến thông tin về hàm lượng chì trong không khí tại TP.HCM tăng lên, trong khi xăng không chì được sử dụng tại Việt Nam đã 6 năm rồi và đặt nghi vấn: “Liệu Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn chì trong xăng hay chưa?”. Ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức, một chuyên gia về ô tô cho rằng, xe tốt mà sử dụng nhiên liệu với chất lượng thấp là điều cực kỳ nguy hiểm. Một đại biểu ở trường Đại học Bách khoa TP.HCM thì cho rằng, nhiên liệu cần phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tất cả các trạm xăng dầu trên cả nước đều phải công bố chất lượng để người dân biết.
 
Một trong các giải pháp được cho là hiệu quả mà nhiều người kiến nghị tại hội thảo là sử dụng thiết bị lọc khí thải. Bộ thiết bị này hiện có giá khoảng 70.000 đồng, có thể gắn vào ống pô xe. Nếu 2 triệu xe ở Hà Nội được lắp thiết bị này, thì sẽ giảm được 70.000 tấn khí CO thải ra mỗi năm – một cán bộ ở Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đề nghị việc thay ống pô xe có gắn thiết bị lọc khí thải cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ (từ chi phí bảo vệ môi trường).
 
Nhiều ý kiến khác đề nghị việc giảm khí thải cần phải bắt đầu từ các hãng sản xuất mô tô, xe máy, cụ thể là phải bắt buộc các nhà sản xuất áp dụng kỹ thuật công nghệ mới. Đồng tình với những ý kiến này, ông Nguyễn Minh Đồng cho rằng cần phải áp dụng công nghệ mới nhất cho xe lưu hành tại Việt Nam


Sẽ thu phí môi trường đối với mô tô, xe máy
 
Ông Nguyễn Văn Ban, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để thực hiện việc giảm thiểu ô nhiễm khí thải cần có 4 giải pháp: Nhiên liệu phải tương ứng với tiêu chuẩn khí thải; quy hoạch giao thông phải chú trọng phát triển các phương tiện vận tải công cộng hiện đại; cải tiến công nghệ chế tạo mô tô, xe máy và cuối cùng là phải tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích từ việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ mô tô, xe máy.
 
Ông Ban cũng cho biết, sắp tới sẽ áp dụng thu phí môi trường đối với mô tô, xe máy. Cách thu như ở Thái Lan, Đài Loan đang áp dụng là thu qua giá xăng dầu chứ không thu trực tiếp người sử dụng xe.