Ô nhiễm bao trùm Đà Nẵng

Môi trường tại TP Đà Nẵng đang được báo động. Từ nước thải khu công nghiệp (KCN) đến bãi rác; từ hạ lưu sông cho đến vùng ven biển… nồng độ ô nhiễm đều vượt ngưỡng!

Kết quả quan trắc nước thải trên sông Cu Đê (từ ngày 15 – 17/06 và 27/06) của Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng cho thấy, mức độ ô nhiễm chất hữu cơ (BOD5, COD) đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, BOD­5 vượt từ 9 – 11 lần; COD vượt từ 7,5 – 9,2 lần; tổng lượng phốt pho vượt từ 2 – 4 lần; coliform vượt từ 1,5 – 21 lần, phenol vượt từ 4,7 – 8,3 lần…  Tại khu vực hạ lưu sông Cu Đê, mức độ ô nhiễm tăng cao dữ dội. Trong đó, hàm lượng NO2, NH4, NO3… vượt từ 1 – 18 lần; nặng nhất phải nói đến vi sinh vật, vượt mức cho phép đến 386 lần! Tại hạ lưu sông Phú Lộc, đoạn từ Điện Biên Phủ đến cửa sông bị ô nhiễm trầm trọng.
 
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, nước sông ở khu vực này đen và có mùi hôi, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, nhất là tại hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây. Do sông Phú Lộc bắt nguồn từ bãi rác Khánh Sơn nên mức độ ô nhiễm của con sông này rất cao.  Đâu chỉ có các dòng sông chịu ô nhiễm, ngay cả khu vực ven biển là âu thuyền Thọ Quang, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Nguyên nhân chính được xác định là do nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang.
 
Kết quả quan trắc cho thấy, nồng độ BOD5 vượt 12,6 lần; COD vượt 10,48 lần; lượng coliform vượt 1,5 lần. Nguyên nhân ô nhiễm ở khu vực ven biển Thọ Quang được chỉ đích danh: xây dựng KCN dịch vụ thủy sản nhưng không đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, khiến mỗi ngày có hơn 1.000m3  nước thải chảy trực tiếp ra biển.
 
Một trong những mối lo lớn nhất đến sức khỏe của người dân là ô nhiễm không khí tại KCN Hòa Khánh và KCN Liên Chiểu. Tại đây, các cơ sở luyện thép thủ công đều không xử lý khí thải và thải trực tiếp ra môi trường nên nồng độ các chất ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn nhiều lần, đặc biệt là kim loại nặng. 11 cơ sở bị xử phạt, 13 cơ sở bị khiếu nại về ô nhiễm, nhưng sau khi xử phạt tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện.
 
Bãi rác Khánh Sơn (cũ) cũng bị “điểm danh” do các chất ô nhiễm hữu cơ quá cao (trên 30 lần), trong khi đó, tầng nước ngầm trong khu vực xung quanh bãi rác cũng đang hứng chịu thảm họa khi chỉ tiêu NH4, COD trong nước giếng vượt mức cho phép tới 6 lần. Ngay cả bãi rác Khánh Sơn (mới) được đưa vào sử dụng đầu năm 2007 với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề. Người dân trong khu vực đã nhiều lần chặn xe không cho Công ty Môi trường đô thị đưa rác đổ vào đây bởi một lý do đơn giản: mùi hôi nồng nặc bốc lên từ hệ thống xử lý nước thải!

Làm thế nào để giải quyết vấn nạn  ô nhiễm ?
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, đối với KCN, TP sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom chung, không xả trực tiếp ra đất. Thời hạn cuối là 12/2007. Tại khu vực sông Phú Lộc sẽ tổng dọn vệ sinh, di dời các hộ lấn chiếm lòng sông; đình chỉ các doanh nghiệp gây ô nhiễm và xây dựng trạm xử lý nước thải tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang (hoàn thành vào năm 2008).
Chưa biết các kế hoạch xử lý ô nhiễm sẽ triển khai ra sao và hiệu quả thế nào. Còn hiện tại, người dân Đà Nẵng lại tiếp tục mở hầu bao trả thêm tiền cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.