Cái giá phải trả cho ô nhiễm

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 80% dân số Việt Nam nhiễm giun sán. Hàng loạt bệnh truyền nhiễm gây dịch liên tục xuất hiện thời gian gần đây như: cúm, tiêu chảy, lỵ, sốt xuất huyết… đều có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đồng thời, sự xuất hiện của những “làng ung thư” liên tục trong thời gian gần đây cho thấy, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường là quá đắt.
 
Theo thứ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, chúng ta hiên nay đang bắt đầu phải trả giá về sự quan tâm chưa đầy đủ đến vấn đề sức khoẻ môi trường. Ngày xuất hiện càng nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường, mà điển hình có thể thấy như các “làng ung thư” ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Tây, Nghệ An, đặc biệt tại nhiều tỉnh thành phía Nam thuộc ĐBSCL.
 
Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, 80% các bệnh tật của con người có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. 50% số bệnh nhân trên thế giới và 25.000 người chết hàng ngày do các bệnh này. 40% các ca tử vong do bệnh sốt rét và 94% các ca tử vong do bệnh tiêu chảy có thể tránh được nếu có những quản lý tốt hơn về môi trường.
 
Theo Bộ Y tế, tình hình mắc bệnh nghề nghiệp do ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Bình quân hàng năm chỉ có 10% công nhân lao động được khám sức khoẻ định kỳ, đa số sức khoẻ chỉ đạt loại 2 –3. Hầu như công nhân nào cũng mắc các bệnh viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi. Tỷ lệ lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất là khu công nghiệp (CN), các làng nghề, các HTX thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm.
 
Báo động đỏ về môi trường và ô nhiễm
 
TS. Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường-Bộ TN&MT cho biết, tính đến tháng 06/2006, nước ta có 134 khu Công nghiệp, khu chế xuất, trong đó, chỉ có 33 khu đã có công trình xử lý nước thải tập trung. Các khu Công nghiệp, chế xuất này thải ra hàng triệu tấn rác thải mỗi năm, trong đó có hàng vạn tấn chất thải nguy hại. Việc xử lý chất thải ở nước ta chủ yếu dùng công nghệ chôn lấp là chính (cả nước hiện có 852 bãi chôn lấp rác thải đang vận hành, trong đó chỉ có 8 bãi là hợp vệ sinh). Chỉ có 12 cơ sở xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
 
Chỉ tính riêng Tp. Hồ Chí Minh, có tới hơn 800 nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ, hơn 30.000 cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong đó đã có 260 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ nhà máy có hệ thống xử lý rác thải rất ít. Trong số 12 khu Công nghiệp ở đây, chỉ có 2 khu Công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Hàng năm, các nhà máy trong khu Công nghiệp, khu chế xuất tại Tp.Hồ Chí Minh thải ra gần 63.000 tấn chất thải rắn. Con số này tăng lên gấp 10 lần nếu tính cả các nhà máy ngoài khu Công nghiệp.
 
Bên cạnh việc ô nhiễm thuốc sâu, ô nhiễm nguồn nước cũng làm cho người nông dân nông thôn và các vùng ngoại thành hứng chịu nhiều bệnh tật. Đoạn sông Thị Vải kéo dài trên 10 km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho đến thị trấn Phú Mỹ (Tân Thanh, Bà Rịa-Vũng Tàu) là một minh chứng rõ nét nhất về việc bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
 
Theo điều tra của ngành môi trường, hiện nay nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng, lơ lửng, mùi hôi, độ màu và vi khuẩn; một số khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm do kim loại nặng. Lưu vực sông Cầu, sông Sài Gòn – Đồng Nai… cũng bị ô nhiễm nặng nề. Tại một hội thảo quốc gia về môi trường có liên quan đến sức khoẻ, một đại diện của Trung tâm y tế dự phòng Thừa Thiên – Huế cho biết: Thừa Thiên – Huế có tới 70% dân số là nông thôn, trong đó, vùng đầm phá chiếm gần một nửa.
 
Nhiều người dân sống bằng nghề trên sông nước, tệ nạn phóng uế bừa bãi, thải rác tuỳ tiện, chất thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ các chợ, hàng quán… chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, người dân lại có thói quen dùng nước đá, ăn rau sống, các sản phẩm chế biến sống như gỏi, mắm vẫn còn phổ biến.
Cho đến nay, hơn một nửa dân số nông thôn ở tình này vẫn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, thậm chí là chưa có nhà tiêu. Tp.Huế có 3 nhà máy nước lớn và hàng chục trạm cấp nước lớn nhỏ, nhưng chỉ có khoảng 59% người dân nông thôn có được nguồn nước hợp vệ sinh, trong đó sử dụng nước máy đô thị là 15%. Hầu hết người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước mua được cấp nước sạch.
 
Ở ĐBSCL hơn 90% hộ gia đình không có nhà tiêu, chủ yếu là sử dụng cầu tiêu ao cá. Đây là điều kiện lý tưởng để các bệnh lây lan đường nước (tả, lỵ, thương hàn…) lan rộng, kéo dài trong khu vực.