Hơn 200 giếng nước ở dọc bờ sông Thoa, thuộc thôn Phước Thiện, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) bỗng dưng bị “đổi màu”, đổi vị: đục ngầu như nước cơm, nhiễm phèn và có khả năng bị nhiễm chất hóa học khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hơn 1.000 nhân khẩu. Người dân ở đây đang “khát” ngay ven sông.
Hoang mang!
Giếng nước của bà Ngô Thị Thận sử dụng hơn 20 năm nay. Thế nhưng, 7 năm trở lại đây, 1 tháng chỉ có vài ba ngày nước trong, các ngày còn lại nước chuyển sang màu trắng đục như nước hến. Tệ hơn nữa, 2 năm nay, nước đã chuyển sang màu nước cơm! Bà Thận đã bơm nước, vét bùn, rắc vôi để khử nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Bà đang hoang mang hoài nghi nguồn nước có phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 thành viên trong gia đình vì bệnh ung thư 2 năm ròng nay, cứ đều đặn 3 lần trong ngày, bà đi xin nước ở làng bên cách 2-3km để ăn uống. Ông Huỳnh Văn Đức, 67 tuổi, cạnh nhà bà Thận đâm hoảng cho biết: “Dọc triền sông này, không phải ai cũng có điều kiện đóng giếng, hầu hết họ vẫn đang sử dụng nguồn nước từ những giếng đào và đang rất hoang mang”.
Chờ cơ quan chuyên môn!
Dòng sông Thoa không rộng lắm, nằm giữa các khu dân cư. Gặp lão nông Trần Thức, 85 tuổi, ông cho biết: “Thời tui sống, nước trong vắt, nhưng mấy năm nay, bao ni lông, rác, chuột, chó, mèo, heo, gà chết, vỏ chai các loại thuốc trừ sâu… ở đâu ra mà nhiều thế không biết? Chẳng biết nước giếng có bị ô nhiễm hay không, chứ nước sông thì ô nhiễm thấy rõ”.
Đến chính quyền địa phương hỏi về các biện pháp khắc phục, gặp ông Nguyễn Tấn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Xã đã khuyến cáo bà con bơm nước rồi dùng hệ thống lọc để dùng, nhưng cũng không mấy khả thi vì lọc xong vẫn còn cặn. Hỏi còn tác nhân nào có thể ảnh hưởng đến nguồn nước, ông Tiến cho biết: “Không thể xác nhận được mà phải chờ các cơ quan chức năng đến kiểm tra mới biết chính xác”. Cũng có những hoài nghi cho rằng, trong chiến tranh, vùng đất này đã bị địch bắn rất nhiều đạn, pháo, thả nhiều chất hóa học lâu năm ngấm vào nguồn nước, giờ mới bộc phát độc tố…
Tất cả cũng chỉ là nghi vấn, nhưng việc 200 giếng nước bị hiện tượng như trên chỉ có câu trả lời chính xác khi các cơ quan chức năng về địa phương này kiểm tra, phân tích mẫu nước. Theo nhẩm tính của chúng tôi, riêng ở thôn Phước Thiện có 200 giếng nước bị ô nhiễm, tương đương 200 hộ, mỗi hộ bình quân 5 nhân khẩu, như vậy chí ít cũng có tới 1.000 người bị ảnh hưởng. Họ đang từng ngày mong ngóng câu trả lời chính xác từ cơ quan chuyên môn.