ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới công bố trên tờ “Thư viện Sinh học cộng đồng” cảnh báo rằng thị trường cácbon nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu đang khuyến khích việc đốn hạ những khu rừng lớn nhất, bởi theo cơ chế hiện nay những quốc gia có nhiều nỗ lực bảo vệ rừng nhất có thể ít được hưởng lợi nhất. Các nước còn nhiều rừng và ít bị tàn phá (HFLD) có thể sẽ chịu thiệt hơn cả nếu như Nghị đinh thư Kyoto và những đàm phán sắp tới về mua bán khí carbon không chú trọng đến các khu rừng nguyên sinh.
Khí thải cácbon từ việc phá rừng là một trong những nguồn khí nhà kính lớn nhất, chiếm khoảng 1/5 tổng lượng khí nhà kính do con người phát thải hàng năm. Khí thải này đã làm tăng lượng lượng CO2 trong không khí từ 29-129 ppm trong vòng 100 năm qua, ở một số nơi thậm chí lên tới 380 ppm.
Để ngăn chặn việc phát thải khí các bon do các hoạt động phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giới khoa học và các nhà làm chính sách đã đề xuất sáng kiến “chống phá rừng”. Theo sáng kiến này, các quốc gia nhiệt đới sẽ được “bồi thường: khi có những nỗ lực góp phần giảm tốc độ phá rừng trên chính vùng lãnh thổ của họ. Khoản bồi thường sẽ thông qua tín dụng các-bon mà các nước phát triển phải trả để bù đắp lượng phát thải CO2 do họ gây ra. Tuy nhiên, căn cứ để xác định khoản bồi thường dựa trên tốc độ phá rừng trong quá khứ. Điều này sẽ dẫn đến một nghịch lý: các nước nhiệt đới có thể vì động cơ tài chính mà cho phép việc phá rừng hiện tại để sau này khi quy định đi vào hiệu lực họ mới kiểm soát giảm tốc độ phá rừng để được hưởng khoản thu tối đa.
Nghiên cứu mới đưa ra quan điểm rằng nếu áp dụng “tín dụng ngăn ngừa” có thể sẽ khắc phục được nghịch lý trên. Khoản tín dụng” này là phần thưởng trao cho các quốc gia vì có những đóng góp tích cực bảo vệ rừng. Còn nếu chỉ áp dụng tín dụng các bon để thưởng cho các quốc gia có công hạ thấp tỉ lệ mất rừng (RED) so với trước đây thì các quốc gia HFLD sẽ không có mấy cơ hội được hưởng. Do bảo vệ rừng tốt nên họ cũng sẽ không có nhiều cơ hội có được tín dụng các bon từ việc trồng rừng theo quy định của cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư
Do không có cơ hội bán tín dụng cácbon, các quốc gia HFLD không còn nhiều động cơ để cố gắng duy trì tỉ lệ phá rừng thấp. Lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng nạn phá rừng giảm ở những nơi khác song lại chuyển hướng sang chính các nước HFLD và cuối cùng gây thất bại cho các nỗ lực toàn cầu nhằm ổn định khí phát thải ở mức thấp nhất có thể.
Các quốc gia HFLD gồm Pa-na-ma, Cô-lôm-bi-a, Cộng hòa Công-gô, Pê-ru, Bê-li-dê, Ga bông, Guy-a-na, Su-ri-nam, Bu-tan và Zăm-bi-a cùng với lãnh thổ Pháp tại Guy-a-na chiếm khoảng 20% tổng diện tích rừng nhiệt đới hiện nay, và 18% tổng lượng carbon rừng nhiệt đới.
Ông Gustavo Fonseca, một nhà khoa học của Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và là tác giả chính của nghiên cứu mới này phát biểu:“Các nước HFLD chẳng có gì để bán vì họ không phá huỷ cái gì cả. Nếu chúng ta không quan tâm đến họ, những khu rừng của họ sẽ bị mất giá trên thị trường cácbon quốc tế và chính phủ các nước đó sẽ nản lòng với công tác bảo tồn. Cần thiết lập một hệ thống tín dụng để thu hút họ vào “thị trường các-bon toàn cầu”.
Đồng tác giả của ấn phẩm này là Russell A.Mittermeier, Chủ tịch CI, phát biểu “Khoảng 20 – 25% lượng cácbon thải ra trên toàn thế giới là do chặt hạ các cánh rừng nhiệt đới, nhưng vấn đề này lại không phải là trọng tâm của các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh nạn phá rừng nhiệt đới tràn lan và chưa được đánh giá đầy đủ, thì những đất nước giàu tài nguyên rừng nên được đặt lên tuyến đầu của trận chiến chống lại sự biến đổi khí hậu, chứ không phải bị đặt ngoài lề như vậy.”
Trong nghiên cứu các tác giả ước tính với giá 10 USD/tấn CO2 thì khoản tín dụng sẽ giúp các nước HFLD thu về từ 365 triệu tới 1,8 tỉ USD mỗi năm, tùy thuộc cách tính khoản bồi thường.
Mặc dù tràn đầy hy vọng với ý tưởng áp dụng “tín dụng ngăn ngừa” nhưng nhóm tác giả cũng lưu ý rằng những nhà quy hoạch chính sách cần phải tiến hành hoạt động này một cách thận trọng. Trong bài nghiên cứu có đoạn “Việc áp dụng “tín dụng ngăn ngừa ” có thể dẫn tới việc giảm giá cac-bon và không khuyến khích việc kiểm soát tốc độ phá rừng tại các nước vốn đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, cần phải đánh giá khoản tín dụng này dựa trên khả năng đạt được mục tiêu tổng thể là việc giảm khí CO2 trên phạm vi toàn cầu”.