Mặc dù thủ phạm của vụ đốn hạ rồi đem bán cây sưa trăm tuổi tại gò Đống Đa (Hà Nội) đã bị bắt giữ, song Công an thành phố (CATP) Hà Nội đang hạ quyết tâm tìm ra thủ phạm của 13 vụ chặt hạ gỗ sưa còn lại trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, hơn 1.000 cây sưa trên địa bàn cũng được CATP lên kế hoạch bảo vệ.
Truy lùng thủ phạm
“Trước khi các vụ chặt hạ gỗ sưa xảy ra liên tục trên địa bàn Hà Nội vào tháng 08/2007, CATP Hà Nội đã chỉ đạo đến các đơn vị tăng cường kiểm tra xử lý hành vi buôn bán vận chuyển trái phép gỗ sưa”- Đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó GĐ CATP Hà Nội cho biết.
Trong chỉ đạo này nêu rõ việc kiểm tra xử lý các vi phạm, tội phạm đối với mặt hàng gỗ sưa đồng thời gắn liền với đấu tranh, xử lý các vi phạm, tội phạm về quản lý thực vật, động vật rừng quý hiếm…
Về vụ án chặt cây gỗ sưa tại Gò Đống Đa, và một số vụ chặt hạ gỗ sưa trên địa bàn, Đại tá Đỗ Kim Tuyến cho biết: CATP đang chỉ đạo các đơn vị thuộc cơ quan điều tra CATP và CA các quận huyện phối hợp với các ngành kiểm sát, tòa án sớm hoàn chỉnh hồ sơ đưa ra truy tố xét xử một số vụ điểm, để răn đe.
Bên cạnh đó, Ban GĐ CATP đã phân công Đại tá Đỗ Kim Tuyến trực tiếp chỉ đạo các phòng nghiệp vụ PC14, PC15 phối hợp với công an các quận, huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, khảo sát thực tế các tuyến đường, khu vực trồng cây sưa bị cưa, chặt trộm.
Đặc biệt, cơ quan CA tập trung điều tra truy xét các vụ cưa, chặt trộm cây sưa, lập chuyên án điều tra các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu thu gom, buôn bán tiêu thụ gỗ sưa.
Công khai danh sách gỗ quý
Ngày 23/08, CATP Hà Nội cũng lên kế hoạch khá chi tiết về việc đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển gỗ sưa trên địa bàn.
Theo kế hoạch này, CA các phường, thị trấn sẽ phát động phong trào quần chúng, phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn, chủ động phát hiện và phối hợp với các lực lượng công an, bảo vệ dân phố kiểm tra, bắt giữ các đối tượng khi đang có hành vi cưa cắt, lấy trộm gỗ sưa…
Đặc biệt, theo kế hoạch của CATP Hà Nội, hai đơn vị là PC15 và PA27 phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp, Sở GTCC, Chi cục Kiểm lâm làm tốt công tác phòng ngừa.
Cụ thể, các sở ngành liên quan phải lập danh sách các cây gỗ sưa và cây gỗ nhóm 1A để thông báo cho UBND, CA phường, xã để tổ chức các biện pháp phát động quần chúng bảo vệ tại cơ sở.
Thượng tá Trần Trọng Bình, Phó phòng PC 15- CATP Hà Nội cho biết, cơ quan CA cũng đề xuất đơn vị quản lý cây nghiên cứu có hình thức sơn gốc, treo biển cây sưa để nhân dân và các lực lượng nhận biết và có ý thức bảo vệ. Tại một số địa điểm khuất vắng có thể nghiên cứu rào cây gỗ sưa nhằm bảo vệ tốt loại cây quý này.