TP. Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc với khoảng 700 tuyến dài trên 1.000 km, có chức năng tiêu thoát nước cho một đô thị lớn nhất nước có trên 8 triệu dân sinh sống. Tuy nhiên, để "xứng tầm" là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, thì hàng loạt những dòng sông, kênh và rạch cũng lần lượt đã bị "khai tử" một cách không thương tiếc.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Công chính, số vụ vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. HCM do Khu quản lý đường sông phát hiện chỉ có… 31 vụ. Nhưng trên thực tế, các vụ lấn chiếm trái phép này ngày càng chiều hướng phức tạp, không đơn thuần chỉ là các các hộ dân lấn chiếm theo kiểu xôi đỗ, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát để cơi nới, xây dựng nhà cửa; mà gần đây đã xuất hiện hàng loạt các vụ lấn chiếm có quy mô lớn của các doanh nghiệp với mục đích kinh doanh trục lợi.
Điển hình như việc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn san lấp sông Sài Gòn tại vị trí Khu du lịch Tân Cảng (phường 25, quận Bình Thạnh) với diện tích sông bị lấn trên 1.700m2 và tại Khu du lịch Văn Thánh (phường 22, quận Bình Thạnh) san lấp đến 4.418 m2 rạch.
Trên tuyến sông Sài Gòn, đoạn chảy qua phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), Công ty Cổ phần Nghệ nhân Hàm Long đã san lấp, lấn chiếm trái phép bờ sông xây dựng bờ kè dài khoảng 200m và có chiều rộng từ 4m-5m.
Tại phường Thảo Điền, quận 2, Công ty TNHH Hải Vương cũng “kém miếng khó chịu” bèn tranh thủ xây tuyến kè lấp sông Sài Gòn ngoài ranh giới địa chính từ 5m-15m. Thấy “ngon ăn”, Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cũng đổ đất san nền lấn dần ra phía bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Bình An, quận 2. Phần đất lấn công viên và phần đất đang tiến sát về phía bờ sông của Công ty này đủ diện tích để xây nhiều dãy biệt thự đẹp để bán. Bên quận 8, Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Tấn Hưng đã san lấp, xây dựng bờ kè không phép dài đến 360 m lấn ra sông Chợ Đệm…
Từ năm 2006 đến nay, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ngành phải tập trung xử lý dứt điểm và truy đến cùng trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân đã để xảy ra sai phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trái phép. Nhưng thật đáng buồn là trong khi các vụ sai phạm cũ chưa được xử lý đến nơi đến chốn thì các vụ sai phạm mới lại xuất hiện nhiều hơn, nhanh hơn với quy mô ngày càng lớn hơn.
Phần lớn các vụ lấn chiếm trái phép này đều có chung một quy trình là “tiền trảm hậu tấu”, chủ dự án “âm thầm lặng lẽ” làm bừa, sau đó mới báo cáo, đẩy cơ quan quản lý vào “sự đã rồi”.
Tuy nhiên, lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về ý thức của người dân và doanh nghiệp. Nhiều tuyến đường sông (đường thủy nội địa) Trung ương chảy qua nội thành TP.HCM như kênh Đôi – kênh Tẻ, sông Chợ Đệm – đoạn từ kênh Đôi đến giáp ranh tỉnh Long An, sông Sài Gòn đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Phước chưa có quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý phần mặt nước ven bờ từ hành lang bảo vệ luồng chạy tàu đến mép bờ sông, kênh, rạch. Chính vì còn tồn tại cách quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” như vậy, nên doanh nghiệp cũng rất dễ nảy lòng tham.
“Khai tử sông, kênh, rạch là một sai lầm chết người” – ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM nói. Người ta vẫn chờ đợi sự xuất hiện một “bàn tay sắt” để chấn chỉnh kỷ cương phép nước, thì hàng ngày cảnh “Nào ta cùng lấp sông!” của cả các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân thuộc hạng “đại gia” ở TP. HCM vẫn đang diễn ra.