Lượng rác thải đô thị Tp.HCM ngày một tăng cao với khối lượng phát sinh trung bình mỗi ngày 5.500- 6.000 tấn. Đây là số liệu thực tế về thu gom và xử lý, còn khối lượng rác chưa được thu gom đang tồn tại trong cống rãnh, ao hồ, sông rạch cũng rất lớn.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM thì trong rác thải đô thị tỷ lệ trung bình thành phần hữu cơ chiếm 75% và vô cơ là 25%. Trong thành phần vô cơ có 15- 20 thành phần từ các nguồn nguyên liệu khác nhau như giấy, các tông, nhựa, ni lông, cao su, thủy tinh, kim loại… Hầu hết các thành phần này đều có thể thu hồi, tái chế thành nguyên liệu sản xuất cho nhiều sản phẩm khác nhau có ích cho xã hội, thay thế cho lượng phế liệu nhập khẩu của thành phố hàng trăm ngàn tấn/năm nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu sản xuất.
Trong thành phần hữu cơ của rác chủ yếu có nguồn gốc từ động thực vật. Phần rác hữu cơ có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất phân compost, dùng bón cho nông nghiệp, lâm nghiệp với giá thành thấp vừa không gây tác động xấu đến môi trường, cánh đồng, vừa có thể cải tạo được một số vùng đất chết.
Mặt khác, với các công nghệ mới tiên tiến hiện nay có thể biến rác thải thành năng lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Công nghệ đốt rác phát điện và công nghệ thu khí (CH4) từ các bãi chôn lấp rác mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng rộng rãi là những ví dụ.
Nhằm biến rác thải thành tài nguyên, hỗ trợ cho cơ quan quản lý môi trường, giúp Nhà nước trong việc sử dụng rác như nguồn tài nguyên, một trong những tiêu chí quản lý môi trường của TP đặt ra hiện nay là phân loại rác tại nguồn. Trong đó thành công trước tiên được xem là cơ bản là người dân không vứt rác tùy tiện, tự phân loại rác ra hai thành phần rác hữu cơ và rác vô cơ trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom. Rác vô cơ, người dân có thể chuyển giao cho đơn vị thu gom rác hoặc tự quy đổi thành tiền.