Theo khảo sát mới của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, lượng bụi ở Bát Tràng vượt quá tiêu chuẩn môi trường 3-3,5 lần, nồng độ các khí CO2 và SO2 trong không khí đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-2 lần.
Trung bình một mẻ nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cùng phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng … chất thành từng đống bên đường. Ngoài ra, hàng ngày, hàng trăm lượt xe chở nguyên vật liệu và thành phẩm ra vào gây tiếng ồn nghiêm trọng. So với 5 năm trước, bát Tràng đã bớt ô nhiễm hơn do nhiều nhà đã chuyển sang nung bằng lò sử dụng gas, nhưng vẫn còn độc hại.
Thực trạng trên khiến nhiều người làm việc và sống ở Bát Tràng đều mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm phổi, viêm xoang hay đau mắt. Mặc dù, mức độ ô nhiễm là đáng báo động nhưng người dân ở đây chỉ thực hiện các biện pháp đơn giản như phun nước để giảm bụi, đội mũ kín, đeo khẩu trang… Nếu không sớm áp dụng các phương pháp sản xuấ sạch, nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững của Bát Tràng sẽ bị đe dọa.
Trước mắt, để làng nghề Bát Tràng phát triển bền vững, cần thực hiện một số biện pháp như hỗ trợ các gia đình chuyển từ lò nung truyền thống bằng than củi sang lẳy dụng gas; cải tạo môi trường làm việc; đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động; quy hoạch địa điểm tập kết phế liệu, phế thải, đặc biệt là cần tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn cảnh quan, đường làm ngõ xóm cho người dân.