Xử lý rác thải đang thu hút sự quan tâm không chỉ của chính quyền các thành phố hay quốc gia. Nó còn “lôi cuốn” cả các doanh nghiệp tham gia với mục tiêu hướng tới một thế giới không còn rác thải.
Từ những năm 2000, chính quyền các bang California của Mỹ đã yêu cầu các thành phố trong bang tái chế 50% rác thải, nếu không sẽ phải nộp phạt nặng. Ngày nay, tỷ lệ tái chế rác thải ở San Francisco đã lên tới 68%, mức cao nhất ở Mỹ và thành phố còn có ý định sẽ làm tốt hơn, trong khi tỷ lệ bình quân của nước Mỹ chỉ là 16%. Thành phố San Francisco và tập đoàn bán lẻ Wal-Mart là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng cả hai lại có điểm tương đồng đó là hướng tới một thế giới không có rác thải.
Hòa nhịp với họ là nhiều thành phố và thị trấn khác, từ Boulder và Carrboro, NewYork City (Mỹ) cho tới Buenos Aires (Argentina) và Canberra (Australia). Cùng đó là sự góp mặt đáng ngạc nhiên của các doanh nghiệp tên tuổi như Toyota, Nike, Xerox. Toyota loại bỏ rác thải của 5.000 nhân viên ở trụ sở chính gần Los Angeles. Trong khi đó, chính phủ các nước đang từng bước quy định sử dụng một lần máy tính, điện thoại di động hay bao bì. “Rác thải zero” tức là không có gì vứt bỏ trong quá trình từ sản xuất, tiêu thụ đến tái chế các sản phẩm.
Một sáng kiến khác là tận dụng thực phẩm thừa của thành phố. Một thiết bị của hãng Norcal được dùng để xay tất cả với chất thải. Vỏ chuối, vỏ hành, đầu cá và các đồ thừa khác được biến thành sản phẩm giàu dinh dưỡng có tên “Four Course Compost” và được bán với giá 8-10USD/yard khối (1 yard khối = 0,765 m3).
Động lực để đưa ra các sáng kiến chính là sự khuyến khích vật chất. Người dân San Francisco nhận thêm khoảng 5 USD, ngoài mức tiêu chuẩn 22USD/tháng, nếu họ dùng thùng rác màu đen nhỏ hơn, chứa ít rác thải đem chôn. Các thương gia được chiết khấu khi tái chế rác thải, còn Norcal nhận tiền thưởng nhờ giữ rác thải không bị chôn.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 20% người Mỹ trả tiền cho thu gom rác thải dựa trên mức độ họ thải hồi. Trong khi khái niệm chất thải có từ lâu, thì tái chế lại là khái niệm mới hơn. Năm 1986 Madison, bang Winsconsin trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ tái chế giấy báo. Việc tái chế tăng mạnh nhân ngày Trái đất năm 1970 và một lần nữa sau ngày EPA áp đặt các quy định chặt chẽ trong chôn hố rác thải vào năm 1991. Tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giữ chất độc không rò rỉ từ nơi chôn rác. Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (HP) được coi là đi đầu về tái chế. Năm 1994, một Giám đốc của HP tới Trung Quốc và nhận thấy người dân nơi đây phá bỏ máy tính và máy in cũ để lấy một số đồ đồng nát. Nhưng điều nguy hại là chúng có thể chứa các chất độc gây hại như chì, thủy ngân và Cadmium. Do vậy hãng đã liên kết với các đối tác Canada để xử lý. Trước tiên, các kỹ thuật viên lấy ra các thiết bị có thể tái sử dụng, sau đó máy chuyên dụng sẽ đập để phân loại và sau đó tái chế.