Chưa bao giờ việc săn lùng gỗ, rễ gỗ trắc ở Kon Tum lại rầm rộ như hiện nay. Vì lợi nhuận của loại gỗ đắt đỏ này mà nhiều người sẵn sàng bỏ ruộng nương để vào rừng đào bới, chặt phá. Đặc biệt, gần đây họ đã tìm đến các buôn làng, nhòm ngó những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ trắc, gạ mua hoặc đổi theo cách lấy đi nhà cũ, xây trả nhà mới. Bức tranh buôn làng của một vùng quê ở Tây Nguyên đang bị biến dạng…
Ngồi trong ngôi nhà sàn gỗ trắc mà ông bà để lại, anh A Khanh, Thôn trưởng thôn PLêi Sar (xã Ya Chim, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nói với chúng tôi: “Hiện nay thôn mình chỉ còn rất ít nhà sàn. Toàn thôn có 178 hộ gia đình, hiện chỉ còn lại 12 nhà sàn, trong số ấy đã có một số nhà sàn được làm lại bằng cột bê tông, hoặc những cây gỗ khác chứ không phải cây trắc. Nhà mình đây bọn chúng cũng đến gạ đổi, nhưng mình chẳng đổi đâu”. Nói rồi, A Khanh dẫn chúng tôi đến những ngôi nhà vừa mới được xây dựng trong làng-những ngôi nhà xưa kia được làm từ gỗ trắc…
Chúng tôi lần theo con đường quanh co trong làng PLêi Sar, nhìn những ngôi nhà mới xây, tường quét vôi ve cái xanh, cái tím, mái tôn, mái ngói lẫn lộn mà thấy rối con mắt. Nếu như ai đó không biết gì về sự kiện “gỗ trắc” ở đây, cứ ngỡ rằng đây là ngôi làng mới hình thành. Nhưng không, đấy là những ngôi nhà mới được đánh đổi từ nhà sàn sang nhà xây.
Giọng xót xa, A Khanh kể: “Mỗi ngôi nhà sàn cổ của bà con đồng bào các dân tộc ở đây, tùy theo lớn nhỏ mà chúng có từ 26 đến 34 cây cột (kể cả nhà chồ-là khoảng không gian phía trước ngôi nhà). Giá bán một ngôi nhà sàn dao động từ 150 đến 350 triệu đồng. Nhưng do nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc không biết giá cả, nên bọn đầu nậu đã đến đây thỏa thuận với bà con đổi ngang nhà sàn gỗ trắc, bằng nhà sàn trụ bê tông xây gạch hoặc nhà xây cấp bốn, mái lợp tôn”.
Anh A Hnhưm, Thôn trưởng thôn KLâu Ngo Zố, khi biết chúng tôi tìm hiểu về nạn lừa đảo của bọn buôn nhà cổ, anh cung cấp thông tin: Thôn anh hiện có 153 hộ sinh sống, nhưng chỉ còn lại khoảng 40 ngôi nhà sàn. Trong số ấy chỉ còn lại từ 4 đến 6 ngôi nhà sàn cổ (nhà sàn làm bằng gỗ trắc còn nguyên vẹn, được làm từ những đời trước), số còn lại là những ngôi nhà sàn được làm lại bằng cột bê tông, hoặc những cây gỗ khác thay vào. Trong thời gian gần hai năm trở lại đây, trong thôn đã có 38 hộ gia đình đổi nhà sàn gỗ trắc lấy nhà sàn bê tông cốt thép.
Không riêng gì nhà sàn của đồng bào các dân tộc ở đây bị đầu nậu buôn gỗ trắc săn lùng, gạ gẫm mua bán, trao đổi, mà ngay cả hàng rào bao bọc quanh vườn được làm bằng những thân cây gỗ trắc bọn chúng cũng chẳng tha. Trưởng thôn A Khanh cho biết: Toàn bộ hệ thống hàng rào trong thôn PLêi Sar này cũng đã được thay đổi bằng hàng rào bê tông cốt thép. Ngay cả hàng rào của nhà A Khanh cũng bọn bị chúng cũng gạ gẫm không được nên đã tháo trộm. Nhân dân địa phương cho hay, những cọc rào có chiều dài từ 2 đến 3 mét, đang là mục tiêu của bọn săn lùng gỗ trắc.
Có một số hộ bị bọn đầu nậu lừa đảo mất nhà, hiện phải sống trong những túp lều tạm bợ. Chẳng hạn như gia đình A Khuing ở thôn KLâu Ngo Zố. Cách đây hai năm (năm 2005), có một người chuyên mua nhà cổ tên là A Grat ở tận Gia Lai tìm đến thôn này. Hắn hứa với vợ chồng A Khuing – Y Yưh, nếu đổi nhà sàn gỗ trắc cho hắn, hắn sẽ xây cho một nhà sàn bê tông và xây thêm một ngôi nhà cấp bốn.
Cả tin, A Khuing đã tháo dỡ 16 cây gỗ trắc (đường kính từ 20 đến 25cm) trong nhà sàn ra đổi cho A Grat. A Grat cho xe ô tô chở đến nhà A Khuing 16 cột bê tông, 500 viên gạch và khoảng 1.000 viên ngói để làm nhà. Tháo dỡ xong, A Grat chở gỗ trắc một đi không quay lại. Cho đến hôm nay, số gạch ngói ấy cùng số gỗ khác dỡ từ ngôi nhà sàn xuống đã mục nát vì mưa nắng. Gia đình A Khuing – Y Yưh bỗng chốc mất nhà, hai đứa con, ba đứa cháu phải chui lủi trong ngôi lều xiêu vẹo.
Không riêng gì gia đình A Khuing, mà hộ A Byơr cũng đã bị bọn chúng lừa dỡ 32 cây gỗ trắc (có đường kính 50cm) từ nhà sàn để đổi lấy nhà… lều. Ngoài ra, gia đình ông A Thíp, một gia đình giàu nhất nhì thôn KLâu Ngo Zố cũng đã đổi 3 ngôi nhà sàn gỗ trắc để lấy 3 ngôi nhà sàn bê tông cốt thép…
Trao đổi với chúng tôi về nạn “chảy máu” nhà cổ và sự lộng hành của bọn đầu nậu, ông Phan Thi, Bí thư Đảng ủy xã Ya Chim, bối rối: “Bằng nhiều hình thức khác nhau, xã đã tuyên truyền vận động bà con phải hạn chế việc đổi chác này. Nhưng nhiều gia đình vẫn cứ trao đổi với bọn đầu nậu. Tới đây xã sẽ triệu tập cuộc họp hội đồng nhân dân, để nói rõ với bà con hiểu về giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa của nhà sàn. Còn việc ngăn chặn được đến đâu là vấn đề khó khăn đối với xã, vì hiện nay hiện tượng này đã trở thành “phong trào” khá rầm rộ ở nhiều nơi khác trong tỉnh…”.
Quả thật, không riêng gì ở xã Ya Chim, mà ở hàng trăm thôn bản của 96 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nạn săn lùng gỗ trắc đang đến hồi báo động. Những ngôi nhà sàn cổ của bà con đồng bào các dân tộc, được thay bằng những ngôi “nhà sàn bê tông” hoặc nhà cấp bốn xây nham nhở. Nếu chính quyền tỉnh Kon Tum và các cấp không có biện pháp mạnh để ngăn chặn kịp thời, thì rồi đây những ngôi nhà sàn cổ sẽ biến mất khỏi bức tranh văn hóa buôn làng.