Từ năm 2000 đến nay, ngành nhiên liệu sinh học tại nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Á đã có những bước phát triển vượt bậc. Thậm chí tại nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, nguồn nhiên liệu sinh học đã bắt đầu đưa vào ứng dụng thay thế khoảng 1/10 nguồn nhiên liệu truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam để phát triển ngành này vẫn còn thiếu đủ thứ.
Phát triển nhiên liệu sinh học… phải chờ
Tại hội thảo Phát triển nhiên liệu sinh học: Cơ hội và thách thức do Bộ Công thương tổ chức, TS. Nguyễn Chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sinh học Việt Nam, đã đưa ra những dẫn chứng rất xác thực về việc tại sao ngành nhiên liệu sinh học lại có thể phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới.
Yếu tố đầu tiên là phải hoàn thiện về mặt chính sách. Cụ thể tại châu Âu, từ năm 2003 đã ban hành đạo luật về sử dụng nhiên liệu sinh học. Theo đó, pha 2% (năm 2005) và tăng lên 5,75% (năm 2010) tỷ lệ nhiên liệu sinh học vào nguồn nhiên liệu truyền thống.
Ngoài ra, mỗi thành viên EU phải thực hiện cơ chế báo cáo hàng năm về nguồn cung cấp, số lượng bán và thị phần nhiên liệu sinh học. Nhờ vậy, trong năm 2006, sản lượng nhiên liệu sinh học đạt 3 triệu tấn.
Còn tại Mỹ, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách như giảm thuế 0,50 USD/galon nhiên liệu sinh học; giảm thuế sau nhập khẩu; hỗ trợ nhà sản xuất nhỏ. Kết quả là trong năm 2005 sản xuất 15 triệu m3 nhiên liệu sinh học. Hiện 30% xăng tại Mỹ được pha nhiên liệu sinh học… Mặt khác, điều kiện phát triển nông nghiệp với quy mô công nghiệp, tập trung, trang trại đã tạo điều kiện thuận lợi để các nước dễ dàng hình thành các vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Còn tại Việt
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ Khoa học công nghệ Bộ Công thương cho biết, bộ đang trình Chính phủ đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến nghiên cứu, sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học; khuyến khích đầu tư; cơ chế thúc đẩy nghiên cứu; hệ thống tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật; lộ trình áp dụng; tổ chức sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học… Tuy nhiên, liệu đề án này có được đảm bảo tiến độ hay không thì còn phải chờ.
Riêng về nguyên vật liệu phục vụ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta đã có nguồn dồi dào như mía, sắn, dừa, dầu mỡ động thực vật. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có quy hoạch phát triển vùng để đảm bảo nguyên liệu sản xuất được cung cấp ổn định. Vấn đề này đang được xem xét theo hướng hướng sử dụng triệt để quỹ đất hiện có, đồng thời tính đến hiệu quả sử dụng đất của từng địa phương, phát huy lợi thế của từng vùng nguyên liệu, còn khi nào được triển khai ra thực tế thì còn phải chờ.
Nhu cầu sử dụng năng lượng… không chờ
Trong khi việc phát triển nhiên liệu sinh học đang phải chờ thì nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng nhanh chóng, tương thích với tốc độ phát triển kinh tế và sự phát triển dân số. Biểu đồ dự đoán nhu cầu sử dụng năng lượng tính đến năm 2020 tại nước ta cho thấy sản lượng năng lượng liên tục tăng cao. Cụ thể, năm 2005 gần 27 triệu tấn dầu quy đổi, đến năm 2010 tăng lên gần 37 triệu tấn và con số này tăng lên đến gần 51 triệu tấn vào năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp có tỷ lệ sử dụng năng lượng cao nhất chiếm 46%, kế đến là vận tải chiếm 35%, thương mại dịch vụ 12%, ngành khác 6% và cuối cùng là nông nghiệp chiếm 1%. Trong khi khả năng cung cấp năng lượng sơ cấp có hạn và ngày càng tỷ lệ nghịch với nhu cầu sử dụng. Ông Cường cho biết thêm, đến năm 2020 khả năng khai thác đối với ngành than là hơn 35 triệu tấn/năm, dầu thô 25 – 27 triệu tấn/năm, khí thiên nhiên 15 – 20 tỷ m3/năm…
Điều đáng tiếc là hiện nước ta đã có rất nhiều nghiên cứu về sản xuất nhiên liệu sinh học thành công như sản xuất biodiesel từ đậu nành, mè, dầu phế thải; sản xuất cồn 96% ethanol từ mía, bắp, luá, sắn… “Thậm chí, chất lượng gasohol sản xuất từ cồn công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã thử nghiệm thành công trên ô tô, xe máy, đạt chất lượng tiêu chuẩn của Mỹ.
Hiện Công ty cổ phần Cồn sinh học Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản suất cồn công nghiệp với công suất 66.000m3 cồn/năm tại tỉnh Đắc Lắc. Trong đó, sử dụng 4.000ha nông trường trồng cây tinh bột Tiboca”, TS Nguyễn Chí Hùng khẳng định. Việc còn lại là nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách để tạo động lực phát triển ngành này. “Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến các khía cạnh về trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất; hệ thống phân phối nguồn nhiên liệu này trên thị trường”, ông Nguyễn Phú Cường nói thêm. Có như vậy mới đảm bảo được 3 yếu tố: giải quyết bài toán cấp bách về thiếu năng lượng, giảm thiểu môi trường và đặc biệt hơn là phát triển kinh tế nông thôn.