Dầu diesel sinh học, loại nhiên liệu "thân thiện môi trường"

Giữa năm 2007, tại quận 8, TP Hồ Chí Minh, nhà máy sản xuất dầu diesel từ dầu thực vật phế thải đầu tiên của nước ta chính thức hoạt động. Ðiều bất ngờ công nghệ điều chế loại nhiên liệu thân thiện môi trường này lại bắt đầu từ đề tài nghiên cứu khoa học của một sinh viên. Tác giả của công trình còn rất trẻ, anh vừa tốt nghiệp Ðại học Mỏ – Ðịa chất Hà Nội tháng 06/2006.

Hiện nay trên thị trường phần lớn dầu diesel đang lưu hành đều được điều chế từ dầu mỏ. Khí thải ra khi đốt diesel dầu mỏ là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, việc tìm ra loại nhiên liệu diesel sinh học (BDF) “thân thiện môi trường” đã được các quốc gia hết sức quan tâm. Từ những năm 1970, thế giới đã nghiên cứu sản xuất BDF nhằm thay thế diesel dầu mỏ.
 
Tại Việt Nam cũng đã có nhiều đề tài nghiên cứu sản xuất BDF được đầu tư nhưng hầu hết là nghiên cứu để áp dụng công nghệ từ nước ngoài, thí dụ công nghệ điều chế BDF bằng sóng siêu âm của Nhật Bản. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra đều có giá thành cao.
 
Ðể khắc phục nhược điểm chi phí thiết bị lớn, giá thành sản phẩm cao, Phạm Văn Ðức có hướng nghiên cứu khác – nghiên cứu chất xúc tác đẩy nhanh các phản ứng hóa học.
 
Anh cho biết: “Bí quyết của công nghệ nội này là ở hỗn hợp chất xúc tác lỏng, được điều chế từ những hóa chất giá “bèo” nhưng có thể “mời” glyxerin ra khỏi axit béo trong dầu thực vật phế thải. Xúc tác làm phản ứng kết tủa tạo thành xà-phòng diễn ra nhanh hơn, xà-phòng và glyxerin chìm dưới đáy thùng, phần nổi lên trên là biodiesel vàng óng trong veo. Sau khi phát huy hết tác dụng, hỗn hợp này đi xuống theo cặn bẩn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng BDF”.
 
Phạm Văn Ðức quê ở vùng biển Hoài Nhơn (Bình Ðịnh). Nhìn những thùng dầu, mỡ đã sử dụng vàng sánh, anh thường liên tưởng ngay đến dầu diesel thường mua để chạy tàu. Ðức tự đặt câu hỏi: “Tại sao người ta không chỉ đơn thuần dùng phản ứng hóa học để điều chế BDF mà cần phải có sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại để các chất chuyển hóa nhanh hơn?”. Ðể trả lời câu hỏi này, anh đã miệt mài tìm cách tự giải đáp. Quá trình chuyển từ dầu phế thải thành BDF của các công nghệ nước ngoài diễn ra từ 12 đến 14 giờ, còn với công nghệ của anh, quá trình này là 20 đến 30 phút..
 
Một ưu điểm nữa của công nghệ điều chế nội này là không kén chọn nguyên liệu đầu vào. Dầu thực vật đã qua sử dụng, mỡ cá, dầu cao-su… đều có thể cho ra BDF. Giờ đây, nếu ứng dụng công nghệ điều chế biodiesel, thứ phế thải này lại trở thành một thứ nhiên liệu “thân thiện môi trường”, giá lại rẻ hơn diesel điều chế từ dầu mỏ.
 
Ðể sản xuất BDF quy mô lớn, Ðức có kế hoạch xây dựng mạng lưới thu mua dầu thực vật phế thải từ các nhà hàng, nhà máy sản xuất thực phẩm thông qua những người thu mua ve chai, đồng nát.
 
GS Nguyễn Lân Dũng biết đến đề tài điều chế biodiesel từ dầu thực vật phế thải của Ðức qua câu chuyện vợ ông kể về cậu gia sư một người bệnh của bà. Ðức chính là gia sư của người bệnh ấy. Cuộc trao đổi giữa nhà khoa học đầu bạc với chàng sinh viên đam mê sáng tạo đã có sự đồng cảm về phương pháp và niềm say mê.
 
Tuy không trực tiếp đứng ra tổ chức triển khai song GS Nguyễn Lân Dũng đã giới thiệu anh với Công ty Ðầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa – đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dầu diesel từ dầu thực vật phế thải.