30% dân số Việt Nam thiếu nước sạch

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu nước tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi nguồn cung ngày càng có hạn, khiến Việt Nam đang bị đẩy vào nguy cơ bị xếp hạng những quốc gia thiếu nước trên thế giới.

Không chỉ thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp mà nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại nhiều vùng trong cả nước cũng đang bị thiếu trầm trọng. Tại không ít vùng nông thôn, người dân phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm hoặc phải mua nước với giá không hề rẻ trong khi mức thu nhập lại không cao. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm đi mức sống của họ.
 
Phải là “hàng hóa đặc biệt”
 
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, kể từ khi phát động chương trình” Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường” đến nay, các địa phương đã sử dụng mới hơn 1,1 triệu hệ thống nước tự chảy, giếng khoán, trong đó hệ thống nước tự chảy là 213.675 công trình, giếng khoan 945.156 cái, đồng thời các địa phương đã cải tạo, sửa chữa gần 33.000 chuồng trại, chăn nuôi hợp vệ sinh theo quy mô tập trung, thu gom và giải toả 22 triệu m3 rác, trồng hơn 2,2 triệu cây xanh.
 
Tại nhiều địa phương đã tập trung theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm do nước thải, rác thải trong quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu: “Chiến lược quốc gia về nước sạch – vệ sinh môi trường nông thôn” và “Chiến lược quốc gia về nước sạch – vệ sinh môi trường đô thị” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một điều không hề đơn giản.
 
Chính vì vậy, các Bộ, ngành hữu quan sớm phối hợp với các Bộ, ngành khác cùng tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả đồng bộ các chương trình kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo phát triển một cách bền vững, đặc biệt là ưu tiên cấp nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, những nơi hiện đang bị thiếu nước khá nghiêm trọng.
 
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu nước tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi nguồn cung ngày càng có hạn, khiến Việt Nam đang bị đẩy vào nguy cơ bị xếp hạng những quốc gia thiếu nước trên thế giới.
 
Cách đây 40 năm, lượng nước sử dụng bình quân đầu người lên tới 17.000 m3/năm, đến năm 2005, mức bình quân chỉ còn 4.600m3. Mực nước lưu vực các sông, trong đó có sông Hồng cũng ngày càng giảm, điều này gây khó khăn cho không ít người dân ở các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây… không chỉ trong sinh hoạt mà cả trong sản xuất.
 
Các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng từng diễn ra khô hạn. Nhiều nơi nước được bán với giá 20.000 đồng – 40.000 đồng/m3. Nguyên nhân của tình trạng trên là do không chỉ nguồn nước mặt khan hiếm mà nguồn nước ngầm nhiều nơi cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. 
 
Cần một chính sách quản lý đồng bộ
 
Mới đây, đã diễn ra cuộc Hội thảo “Đối thoại với các nhà lập chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước” do Liên hiệp các Hội khoa học Việt cùng với mạng lưới cộng tác vì nước của Việt tổ chức đã thu hút được nhiều chuyên gia quan tâm.
 
Ghi nhận đã cho thấy, so với các nước của khu vực, tài nguyên nước ở Việt Nam là tương đối thấp tính trên đầu người, phân bố không đều theo không gian, thời gian và một phần lớn trữ lượng phụ thuộc vào tình hình khai thác nước của các quốc gia sở hữu vùng thượng lưu của các sông.
 
Thời gian qua, Nhà nước đã nâng cấp hệ thống thuỷ nông, các hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt song vẫn còn lộ rõ sự yếu kém trong việc quản lý, khai thác và nâng cao dịch vụ tổng hợp cũng như điều tiết nguồn nước trong cơ chế thị trường.
Hiện nay, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật làm công tác quản lý tài nguyên nước còn thiếu và yếu, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống nước họ không có vai trò quyết định, chỉ tham gia với tư cách làm thuê từng phần theo hợp đồng công việc.
 
Hiện tại, hai bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước, tuy nhiên, trong quản lý vừa có lĩnh vực hở, trống, vừa có lĩnh vực trùng lặp trong quá trình quy hoạch và vận hành…