Được sự tài trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và trên cơ sở giống lúa thơm Basmati – một loại giống lúa nổi tiếng có nguồn gốc ở Pakistan, PGS.TS Lê Xuân Thám và các đồng nghiệp của Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã xử lý đột biến tạo ra dòng lúa thơm có nhiều đặc tính quý: phát triển tốt trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và cho năng suất cao.
Dòng lúa này có ưu điểm: năng suất tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với giống lúa gốc, gạo có mùi thơm đặc trưng, chất lượng dinh dưỡng cao, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ còn 90 ngày, do đó có thể thâm canh ba vụ (hoặc hai vụ lúa + một vụ màu) trên cùng đơn vị diện tích.
Chiều cao cây của dòng lúa đột biến này từ 90-95cm, hạt dài thon và đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, dòng lúa này đã được nông dân tỉnh Sóc Trăng gieo trồng thử trên diện tích gần 50 ha và cho năng suất từ 4 đến 4,5 tấn/ha.