Dòng sông Lam hiền hòa giờ đây đang bị con người ngày đêm “mổ ruột” tìm vàng, không chỉ làm tan hoang cảnh quan thơ mộng mà còn gây ô nhiễm nặng tới cuộc sống của người dân đôi bờ.
Dòng sông Lam như khúc ruột của người dân xứ Nghệ. Từ khúc hát dân ca, đến câu hò ví dặm, hay những điệu hò chèo thuyền… hầu như đều bắt nguồn từ cuộc sống của con người bên dòng sông này.
“Tiếng khóc” từ thượng nguồn
Chúng tôi ngược QL7 dọc theo dòng sông Lam ở khu vực thượng nguồn thấy dòng sông đang “quằn quại”. Gần trăm chiếc tàu đóng giữa sông ngày đêm cho máy chạy xình xịch hối hả khai thác vàng. Việc “mổ ruột” sông Lam bắt đầu từ khu vực thượng nguồn.
Sau khi công trình thủy điện bản Vẽ được xây dựng, tiếp tục có dự án xây dựng thủy điện Khe Bố. Để có công trình thủy điện Khe Bố phải ngăn dòng sông Lam đoạn qua xã Tam Quang, thuộc huyện miền núi Tương Dương.
Chưa ai thấy hình hài, bóng dáng gì về thủy điện thì khu vực thượng nguồn sông Lam đã bị người dân huy động tàu thuyền, máy móc và bắt đầu một chiến dịch khai thác vàng rầm rộ. Khai thác ồ ạt đến mức làm cho sông Lam đổi dòng và xoáy nước lấn sâu vào cả khu vực dân cư của thị trấn Hòa Bình và làm sập cả ta luy âm QL7.
Trên mặt sông lởm chởm, ngổn ngang những ụ đất đá do dân đãi vàng đùn ra. Nhiều người dân bức xúc đã phản ánh tới nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay tàu khai thác vàng vẫn còn hoạt động ngày đêm. Với lý do đơn giản là cho phép tận thu vàng sa khoáng trong lòng hồ thủy điện.
Ở Tương Dương đã vậy, tình hình ở khu Con Cuông cũng bi đát không kém, dân đổ xô đi đào vàng đã làm lòng sông tan hoang tới hàng chục cây số.
Hai tháng nay, có hơn 30 chiếc tàu máy được lắp đặt trên dòng sông Lam đoạn qua huyện miền núi Con Cuông để “mổ ruột” sông tìm vàng, ồ ạt còn hơn cả địa bàn thượng nguồn đoạn qua huyện Tương Dương.
Được biết, chủ của những chiếc tàu khai thác vàng này là của Cty cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản Lạng Sơn. Dòng sông Lam bị đào khoét không thương tiếc, lở lói, đục ngầu.
Tới bản làng nào, người dân cũng tỏ ra bất bình trước việc chính quyền địa phương cho phép khai thác vàng bừa bãi làm ô nhiễm dòng sông. Vì hầu hết người dân hai bên bờ đều dùng nước sông Lam để sinh hoạt, đó là chưa kể hàng triệu người dân Nghệ An cũng dùng nước sông Lam để phục vụ đời sống hàng ngày.
Một số người dân Lạng Khê cho biết nhiều hôm họ vớt được rất nhiều cá chết trên sông, muốn lấy nước sạch uống phải đi xin nơi khác rồi cõng về.
Điều đáng nói là ở công trường xây dựng cầu treo Chôm Lôm (nơi có bến đò mà dòng nước dữ đã cướp đi tính mạng của 19 em học sinh), máy đào vàng được lắp đặt chỉ cách nơi xây cầu không xa, ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc thi công xây dựng cầu.
Hơn nữa, đất đá bị đổ vô tội vạ đã ngăn dòng chảy, khiến khúc sông này bị đổi dòng và có nguy cơ nước sông sẽ ngoạm vào cột trụ phía Bắc của chiếc cầu đang xây dựng.
Cách công trường cầu treo Chôm Lôm không xa, cầu treo Lam Khê đang được xây dựng lại cũng xảy ra hiện tượng này. Tàu khai thác vàng đặt cách chân cầu chưa tới 100m, muốn lấy được vàng phải cho máy khoan sâu xuống hàng chục mét, có thể gây ra sự lún sụt vô cùng nguy hiểm.
Ông Lò Văn Minh (người dân tộc Thái), thôn Bãi Gạo, Lạng Khê bức xúc: “Từ xưa bà con bản ta dùng nước sông để tắm rửa, nhưng từ ngày xuất hiện các tàu khai thác vàng, nước sông bẩn đến mức trâu bò cũng không thèm uống nữa”. Một số người khai thác vàng cho biết thêm: Trong việc đãi vàng, họ phải dùng thủy ngân để làm đá đổi màu, lọc vàng sa khoáng . Như vậy, một lượng không nhỏ chất độc hại đã bị tống xuống sông.
Được biết, trong hợp đồng giữa các “đầu nậu” với địa phương có cam kết sau khi khai thác xong phải san lấp, trả lại mặt bằng cho dòng sông. Thế nhưng, suốt hàng chục cây số, chỗ nào cũng lô nhô từng ụ đất đá lởm chởm đang làm đổi dòng chảy và gây xói lở hai bên bờ.
Một số người dân bản A Hòa, xã Lạng Khê lo lắng cho biết tất cả dân bản đều đi bằng thuyền để qua sông, trâu bò của họ thường xuyên xuống sông tắm và uống nước, nhưng tàu khai thác vàng đã làm cho dòng sông biến dạng, chỗ nông chỗ sâu không biết đâu mà lần nên hiểm nguy luôn rình rập họ.
“Bức tử” dòng sông để thu ngân sách
Ông Hoàng Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo khai thác tận thu vàng ở lòng sông Lam đoạn qua huyện Con Cuông nói: “Để khai thác vàng sa khoáng trên sông Lam là do phía đơn vị khai thác lập dự án và được cấp trên cho phép.
Huyện quan niệm rằng việc này sẽ góp phần tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm cho đồng bào Con Cuông, nhưng với điều kiện khai thác phải đảm bảo môi trường. Trên cơ sở đó huyện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị khai thác. Mỗi tàu khai thác phải nộp thuế cho huyện 2,7 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn phải nộp một số lệ phí cho địa phương (tức các xã)”.
Ông Tuấn còn khẳng định: “Trong quá trình khai thác thì phải có ô nhiễm, nguồn nước đục là không thể tránh khỏi. Về mặt sông bị biến dạng huyện đã giao cho công an kết hợp với Phòng Tài nguyên môi trường để kiểm tra. Đây là lần đầu tiên có chuyện khai thác khoáng sản nên huyện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý”.
Trở lại các tàu khai thác trên sông Lam. Suốt dọc đoạn sông dài hàng chục cây số, hàng trăm “phu” đang ngày đêm “mổ ruột” sông tìm vàng. Hầu hết họ là người được đưa từ nơi khác đến. Thực tế này đã bác bỏ lý lẽ khai thác vàng sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Mặc dù công việc hết sức nặng nhọc, nhưng tiền công các “phu” được trả cực kỳ rẻ mạt, trừ ngược xuôi chỉ còn chưa đầy 30.000 đồng/ngày. Trong khi cánh thợ đào đãi oằn lưng ra để tìm vàng thì các “đầu nậu” chiều chiều ngồi xe ôtô đi gom hàng để mang về xuôi.
Chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc cho phép khai thác vàng trên sông Lam. Chỉ có thêm chưa đầy 65 triệu đồng/tháng (tiền thu từ các tàu khai thác vàng) vào ngân sách địa phương, trong khi những gì đã mất và sẽ mất thì không ai có thể lường hết được.