Theo báo cáo ngày 08/08 của Tổ chức dự báo khí tượng thế giới thuộc LHQ (WMO), thời tiết và khí hậu thế giới 6 tháng đầu năm 2007 đạt kỷ lục về sự khắc nghiệt.
Theo đó, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất được xem là nóng nhất kể từ năm 1880. Cụ thể, tháng 1, nhiệt độ Trái Đất nóng hơn trung bình hàng năm 1,89 độ C và trong tháng tư nóng hơn 1,37 độ C. Nhiều khu vực bị ngập lụt nặng do mưa lớn kết hợp với triều cường mạnh như khu vực Nam Á làm hơn 500 người chết và hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng.
Phía Nam Trung Quốc cũng hứng chịu nhiều trận lũ nặng làm 120 người chết. Tại Anh, thời tiết được xem là bất thường nhất kể từ năm 1766 với lượng mưa trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7 là 406mm. Lượng mưa kỷ lục đo được gần đây nhất là 349mm vào năm 1789. Tại Đức, lượng mưa đạt 126mm, cao hơn nhiều so với lượng mưa trung bình 71mm từ năm 1961 đến 1990.
Đông Nam Âu lại hứng chịu đợt nắng nóng vào tháng 6 và tháng 7 với nhiệt độ lên 40 độ C, làm chết hàng chục người và gây cháy rừng trên diện rộng. Nhiệt độ lên cao nhất tại Bulgaria vào ngày 23/07 là 45 độ C. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ, nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 0,8 độ trong vòng 100 năm qua. WMO khẳng định rằng việc nhiệt độ Trái Đất nóng lên là do con người gây ra. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, WMO đang cùng cơ quan khí tượng thủy văn của 188 quốc gia thành viên, các tổ chức của LHQ và các đối tác xúc tiến kế hoạch thành lập hệ thống cảnh báo sớm thiên tai trên toàn cầu.