Công nghệ nào cho xử lý POP tồn lưu

ThienNhien.Net – Tại nước ta hiện còn lưu một khối lượng khá lớn các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy (POP) tích tụ tập trung hoặc phân tán trong môi trường đất, đặc biệt từ thời kỳ chiến tranh. Ở một số nơi, người dân đã phải lên tiếng cầu cứu vì bị ảnh hưởng qúa nặng nề về sức khoẻ và môi trường sống. Trong khi đó, các nhà khoa học và quản lý vẫn đang loay hoay với các dự án thí điểm để tìm ra công nghệ tối ưu giải quyết bài toán về xử lý các chất POP trên diện rộng.

Hoá chất bảo vệ thực vật và các chất POPs ở Việt Nam

Theo một thống kê sơ bộ, Việt Nam đã và đang sử dụng khoảng 300 loại thuốc trừ sâu, 200 loại thuốc trừ bệnh, gần 150 loại thuốc trừ cỏ, 6 loại thuốc diệt chuột và 23 loại thuốc kích thích sinh trưởng cây trồng. Các hoá chất BVTV này nhiều về cả số lượng và chủng loại, trong đó có một số loại thuộc danh mục cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tồn đọng hết hạn sử dụng.

Các chất POP sử dụng cho nông nghiệp chủ yếu là DDT và HCB, hiện nằm rải rác ở các kho địa phương chờ được xử lý, còn trong công nghiệp phần lớn là PCB, trong các lĩnh vực như: Dầu biến thế và tụ điện công suất cao, chất lỏng truyền nhiệt và hệ thống thủy lực, chế tạo dầu bôi trơn và dầu cắt gọt, chất hoá dẻo cho sơn, dung môi cho mực in của giấy copy không chứa các bon, chất kết dính, chất chống bắt cháy và chất dẻo. Mãi đến những năm 80, người ta mới phát hiện tính bền vững và độc tính nguy hại của PCB đối với môi trường và con người, sau đó hạn chế và dần cấm sử dụng.

Chất độc quân sự do Mỹ rải rắc và để lại chiến trường Việt Nam trước đây gồm ba loại chất chính: chất da cam, chất xanh và chất trắng. Trong đó, chất da cam là chất cực độc, có độc tính cao gấp trăm nghìn lần loại hoá chất môi trường độc nhất và hiện còn tồn tại một lượng lớn trong môi trường đất tại các điểm nóng thuộc 3 sân bay: Đà Nẵng, Biên Hoà và Phù Cát.

Về mặt quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/1998/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV và hóa chất độc hại gây ô nhiễm, khó phân huỷ, trong đó nghiêm cấm việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại thuốc BVTV và các chất POP nguy hiểm trong danh mục cấm sử dụng, đồng thời thu gom và tiêu huỷ các chất này theo đúng quy trình, công nghệ xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, xử lý ô nhiễm môi trường do các kho thuốc BVTV cũ gây ra.

Bộ Khoa học công nghệ, Cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường) cũng đã phối hợp với Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu công nghiệp và khoa học thuộc trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Na Uy tiến hành điều tra và kiểm kê ban đầu để tư vấn Chính phủ về công nghệ xử lý, tiêu huỷ lượng POPs tồn đọng này.

Liệu có một giải pháp tối ưu?

Vấn đề giải quyết các chất độc POPs tồn đọng là bài toán vô cùng nan giải đối với các nhà khoa học và các nhà quản lý trong nước. Trên thế giới có rất nhiều công nghệ đã được áp dụng tại các quốc gia, trong số đó có 9 công nghệ, theo tổng kết đánh giá của UNEP, là mang tính thân thiện môi trường và giá thành hợp lý hơn cả, đó là: sử dụng lò đốt đặc chủng, lò đốt xi măng, khử bằng hoá chất pha hơi, khử bằng chất xúc tác, khử bằng kiềm, ôxi hoá điện hoá trung gian , ôxi hoá muối nóng chảy, ôxi hoá siêu tới hạn và Plasma.

Ngay trong nước cũng đã có một số mô hình thí điểm hoặc đã được triển khai. Trong hội thảo “Giới thiệu và tham vấn lựa chọn công nghệ xử lý hoá chất POP tồn lưu tại Việt Nam” diễn ra hôm nay, 09/08/2007, do Cục Môi trường tổ chức, đã có 4 mô hình công nghệ được giới thiệu. Đó là các công nghệ: sử dụng lò thiêu đốt nhiệt độ thấp (Trung tâm công nghệ xử lý môi trường – Bộ tư lênh Hoá học), sử dụng lò đốt xi măng nhiệt độ cao (Công ty Holchim thí điểm tại Hòn Chông), sử dụng lò đốt 2 cấp có can thiệp làm lạnh cưỡng bức (Công ty Môi trường Xanh thực hiện tại các khu công nghiệp) và Công nghệ phân huỷ sinh học (Viện Công nghệ Sinh học phối hợp một số đơn vị khác thực hiện).

Mặc dù đứng giữa rất nhiều sự lựa chọn như vậy nhưng quyết định giải pháp nào phù hợp nhất cho việc xử lý các chất POP tại Việt Nam vừa có thể triển khai rộng, phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước mà vẫn giữ được yêu cầu tối quan trọng là phải không gây phát tán chất độc điôxin, furan hay các chất độc hại khác ra môi trường, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã nhất trí cao rằng cần sử dụng một bộ kết hợp nhiều công nghệ đồng thời mới có thể giải quyết vấn đề. Bởi, chỉ riêng mức độ tập trung POP tại các địa điểm đã khác nhau, có nơi POP được tập kết trong các kho chứa, có nơi lộ diện trên mặt đất nhưng cũng có vùng các chất POP đã phân tán và bị rửa trôi. Thực tế này sẽ dẫn đến đòi hỏi những công nghệ chuyên biệt.

Điều quan trọng trước mắt là cần xác định được bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ và có được kết quả điều tra cơ bản về số lượng cũng như sự phân bố, mức độ phân tán của các chất POP tại các địa phương. Trên cơ sở đó, kết hợp với những nghiên cứu và đánh giá sâu về các công nghệ hiện tại và đặt trong điều kiện thực tế của nước ta, mới hy vọng tìm ra được câu trả lời tối ưu về xử lý POP.