Cuộc sống khó khăn đã buộc người dân phải "ăn vào môi trường" để tồn tại. Để thay đổi được điều này không thể chỉ nói hoặc động viên người dân. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ người dân nơi đây phát triển kinh tế, từ đó xây dựng ý thức bảo vệ môi trường biển.
Nếu không, chỉ một thời gian nữa, các rặng san hô sẽ bị tàn phá không thể khắc phục được. Cái mất sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cà Ná là bãi biển đẹp thuộc tỉnh Ninh Thuận. Khách đến với Cà Ná khi về thường mang theo một món quà xứ biển cho người thân, đó là san hô.
San hô biển được các em nhỏ tại đây bán rong để cải thiện kinh tế gia đình. Giá mỗi nhánh san hô chỉ 15.000đ, nhưng đó là mồ hôi và nước mắt của những người dân địa phương sống nhờ vào các khu resort, nhà hàng, khách sạn tại nơi này.
Pha, 13 tuổi, tên thường gọi là Quý, cho biết: “Những ngày hè này, tụi em được nghỉ học nên hay rủ nhau đi bán san hô để kiếm tiền mua sách vở”. Em đang học trường trung học Phú Quý 2 gần đó và cứ hè nào, các em cũng có thêm thu nhập từ tiền bán san hô phụ giúp gia đình.
Cũng như gia đình Pha, nhiều gia đình ở đây sống nhờ vào biển. Họ có thuyền đánh bắt cá hay những cái “rớ” (chòi) chòng chành giữa ngàn khơi để soi cá, tôm, mực… Nhiều người lặn giỏi, đa số là thanh niên khoẻ mạnh lặn và bẻ san hô dưới đáy biển về nhà “tái chế” thủ công bằng cách đúc ximăng dưới đáy san hô, làm thành những món quà nhỏ bán cho du khách.
Mạnh, một cậu bé nhỏ thó đen đúa, cho biết thêm: “Anh trai của em đi biển lấy san hô, ba mẹ ở nhà cắm những nhánh san hô vào bệ ximăng đúc sẵn cho dễ cầm, còn em thì đi bán”.
Nhờ du khách mà các em nhỏ của vùng đất nghèo khó này tiếp tục đến trường. Nhưng trong tương lai, san hô sẽ còn để tiếp tục nuôi sống người dân nơi đây?