ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, việc tỉnh Vĩnh Phúc rốt ráo xúc tiến xây dựng Tam Đảo II (cách Tam Đảo I 15 km) thành một khu vui chơi giải trí ngay giữa vùng lõi VQG Tam Đảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Đây thực sự là mối đe dọa đối với an toàn sinh học tại VQG Tam Đảo, cũng như môi trường sống của cư dân quanh vùng. ThienNhien.Net xin giới thiệu bài viết của anh Nguyễn Huỳnh Thuật – Cán bộ Phòng Khoa học VQG Cát Tiên về Bản đánh giá tác động môi trường Tam Đảo II – một hợp phần trong dự án Tam Đảo II.
Sau khi đọc một loạt các bài viết về Dự án Tam Đảo II và nghiên cứu kỹ Báo cáo tổng kết đề tài “Xác định cơ sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo II” do GS. TS Trần Nghi làm Chủ nhiệm; tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiệm thu và thanh lý xong hợp đồng, tôi xin mạn phép trình bày một số ý kiến với hy vọng góp phần có thêm một cách nhìn, một tư duy khác để các cơ quan liên quan có thể ra quyết định đúng đắn.
1. Rừng lùn trên đỉnh núi Tam Đảo được coi là kiểu phụ đặc thù của rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới với thực vật chủ yếu gồm các loại cây thuộc họ Đỗ Quyên, họ Re, họ Hồi…Các loại cây trong hệ sinh thái này này có bộ rễ rất tốt, lan rộng, dày đặc, xuyên sâu nên có tác dụng phòng hộ, bảo vệ núi, chống sạt lở, giữ nước và điều tiết khí hậu tuyệt vời, là một phần quan trọng của “lá phổi” miền Bắc có ảnh hưởng đến hàng triệu người sống trong khu vực. Đây là ngôi nhà lý tưởng của nhiều loài đặc hữu và của ít nhất 13 loài thú có nguy cơ tuyệt chủng (trang 13, báo cáo tóm tắt tổng kết đề tài, GS.TS. Trần Nghi). Đây cũng là di sản của quốc gia và nhân loại cần được giữ gìn và phát huy tính trọn vẹn của nó. Di sản này một khi đã mất đi thì không bao giờ lấy lại được. Chúng ta có thể xây những tòa tháp đôi còn hơn tòa tháp đôi WTC ở New York, Mỹ trong vòng vài năm nhưng nếu không giữ không giữ được hệ sinh thái đặc biệt ở Tam Đảo II thì vĩnh viễn chúng ta không bao giờ lấy lại được.
2. Tại Tam Đảo II vẫn có thể tận dụng được ưu thế và tiềm năng vốn có của nó để xây dựng mô hình du lịch sinh thái mà không cần phải tác động làm thay đổi chức năng vẹn toàn của hệ sinh thái. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là làm du lịch sinh thái theo đúng nghĩa của nó; không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái tự nhiên cũng như môi trường sinh thái nhân văn. Du lịch sinh thái theo đúng nghĩa là khả năng và trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường, với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần của người bản địa, người dân địa phương sống xung quanh. Các bài học kinh nghiệm từ những kế hoạch hay những nơi phá rừng để xây dựng và phát triển không bền vững vẫn còn nguyên giá trị.
3. Nước ta đã tham gia công ước đa dạng sinh học (CBD), do vậy cần tôn trọng những quy định trong công ước này. Vì Tam Đảo II là Khu rừng đặc dụng (Protected Area) và vùng đất địa linh nhạy cảm (Sacred Site – 79 đình, chùa, đền, miếu và nhà thờ: 64 công trình nằm ở vùng đệm, 15 công trình nằm ở vùng lõi, nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa khác nhau, gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng của vua Hùng,…), nên khi chúng ta đánh giá tác động môi trường phải theo các tiêu chí hướng dẫn của CBD (Akwé: Kon Guidelines). Cần phải có thời gian và sự tham gia của nhiều nhà khoa học liên và đa nghành và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là người dân có kinh nghiệm trong vùng bị ảnh hưởng.
Phải thấy rằng các phương án đưa ra kinh doanh trong dự án Tam Đảo II hiện tại nặng về kinh tế hơn là bảo vệ môi trường sinh thái. Nó thật sự không phải là mô hình du lịch sinh thái bền vững theo đúng nghĩa. Đây là tiêu điểm, là mối lo ngại cho tất cả mọi người, đặc biệt là người dân địa phương và tất những ai tâm huyết công tác trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nước và quốc tế. Báo cáo đánh giá tác động môi trường do trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội thực hiện quá đơn giản, dễ dãi, thời gian khảo sát và nghiên cứu quá ngắn, không đầy đủ, toàn diện, không khách quan và thiên vị cho việc phá hủy môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn cho việc xây dựng khách sạn, biệt thự, sân golf,… Điều đáng chú ý là trong báo cáo đánh giá không có sự tham gia ý kiến của người dân kinh nghiệm tại địa phương, ban quản lý vườn quốc gia; cũng như không có nghiên cứu và đánh giá tác động văn hóa, xã hội. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể, độc lập và khách quan về giá trị bảo tồn của Tam Đảo II; đánh giá tác động môi trường một cách toàn diện bao gồm cả tác động về văn hóa và xã hội. Kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ là cơ sở khoa học tốt nhất khi các nhà làm chính phủ quyết định lựa chọn giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển khu du lịch sinh thái.
Do vậy chúng ta cần hiểu đúng và hành động đúng. Có như thế, chúng ta mới bảo tồn được vốn quý của VQG Tam Đảo, giữ gìn cho các thế hệ sau.
Tôi xin đóng góp một số ý kiến và rất mong được chia sẻ thêm thông tin và phản hồi với những ai quan tâm, tâm huyết lĩnh vực này.
Nguyễn Huỳnh Thuật – Phòng Khoa học Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Email: nghthuat@yahoo.com