Gần chục năm nay người dân An Lưu gồm 89 hộ với 365 nhân khẩu (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã phải sống trong cảnh “quýt làm cam chịu” bởi khói độc thải ra từ các nhà máy đun gạch ở xã Hòa Xuân, Hòa Vang và tính mạng đang bị đe dọa bởi sự lộng hành của bọn “cát tặc”…
Cây chết vì khói độc
Ông Lê Văn Dư, Bí thư chi bộ cho hay: “Hơn chục năm nay, dân trong làng phải chịu cảnh sống cùng khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch gây ra từ bờ Tây con sông Vĩnh Điện. Trước đây dân làng ai nấy đều khỏe mạnh nhưng từ khi số lò gạch tăng lên gấp đôi thì lượng khói độc thải ra cả làng ai nấy đều “hưởng”. Trẻ em thì bị viêm họng, người lớn thì bị bệnh phổi, năm 2006 trong làng có ông T.P đã chết vì bệnh phổi”.
Có khoảng 6, 7 lò gạch đang ngày đêm “đốt phổi” người dân nơi đây, bởi đa số các cơ sở đều làm sản xuất theo phương pháp thủ công, dùng than đá để nung lò, ống khói xây quá thấp, lại được “thiết kế” đúng hướng gió Tây Nam nên bao nhiêu khói bụi thải ra đều bay về hướng An Lưu – nơi có 89 hộ với 365 nhân khẩu đang sinh sống.
Tình trạng “thượng điền thải khói, hạ điền ho” không những ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến cây cối hoa màu. Ông Dư dẫn chúng tôi ra thăm vườn chuối của mình, lá chuối khô héo bởi “hít” phải khói độc. Giàn bầu bí nhà ông không năm nào đậu quả, bởi khi lá chưa kịp xanh thì khói thải làm cây “nghẹt thở” mà chết…
Sạt lở bờ kè vì cát tặc
Cũng trên nhánh sông Vĩnh Điện, người dân An Lưu còn nơm nớp lo sợ nguy cơ sạt lở bờ kè do lực lượng hùng hậu “cát tặc” gây ra. Con sông vỏn vẹn vài kí lô mét đang là nơi tập kết của hàng chục phương tiện khai thác cát bừa bãi.
Ông Nguyễn Xứng, Phó Chủ tịch UB MTTQ phường Hòa Quý, không giấu nổi bức xúc: “Bọn cát tặc ngày đêm tranh nhau khai thác cát. Nhân dân nhiều lần phản ứng, nhưng chúng đáp lại bằng thái độ thách thức và lì lợm. Vừa qua bọn chúng còn đánh hư mắt của một người dân khi phản đối, không cho chúng khai thác cát”.
Cả một đoạn bờ kè được nhà nước đầu tư trên 2 tỷ đồng để bảo vệ, tài sản tính mạng của người dân An Lưu vào mùa mưa lũ đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong làng chẳng ai dám cho trẻ em ra sông chơi đùa, bởi dòng chảy và độ sâu của con sông bị “cát tặc” làm thay đổi hoàn toàn.