Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, đám mây ô nhiễm trên khu vực Ấn Độ Dương làm tăng hiện tượng khí hậu nóng dần ở Nam Á.
Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là dioxide carbon (CO2) được xem là thủ phạm chính gây hiện tượng khí hậu nóng dần, nhưng tác động của các hạt li ti gây ô nhiễm lơ lửng trong không khí chưa được biết rõ. Các hạt được gọi là aerosol này có thể góp phần làm mát bề mặt Trái Đất và đại dương nhờ phản chiếu các tia nắng mặt trời nhưng cũng có thể làm nóng khí quyển khi hấp thu ánh sáng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu do Tiến sĩ Veerabhadran Ramanathan thuộc Viện Đại dương học Scripps (San Diego) dẫn đầu đã sử dụng ba máy bay do thám nhỏ không người lái để nghiên cứu đám mây trên.
Cứ mỗi mùa đông, đám mây này được hình thành trên khu vực Ấn Độ Dương, tạo thành một “bức màn màu đen” không lồ được cấu tạo bởi những hạt li ti từ các khu vực đô thị, công nghiệp hoặc nông nghiệp ô nhiễm. Các máy bay này đã thực hiện 18 sứ mệnh quan sát và đo đạc đám mây ô nhiễm này ở nhiều độ cao khác nhau.
Khi xử lý các dữ liệu này với các mô hình kỹ thuật số, các nhà nghiên cứu kết luận rằng đám mây này làm tăng khoảng 50% hiện tượng khí hậu nóng dần do tia nắng mặt trời trong bầu khí quyển. Các hạt bồ hóng lơ lửng trong bức màn đen đã hấp thu ánh sáng mặt trời.