ThienNhien.Net – Các nước APEC chiếm tới 1/3 số dân và 2/3 nhu cầu về năng lượng trên toàn thế giới. Diễn đàn này đang xây dựng một sự phản ứng mang tính khu vực đối với vấn đề thay đổi khí hậu, dự kiến được quyết định trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 sắp tới. Để chuẩn bị cho sự kiện này, các bộ trưởng tài chính nhóm họp tại Queensland trong tuần qua bên cạnh việc thảo luận về kinh tế đã bàn thảo rộng rãi, đưa ra một số để xuất chính sách và công bố bản thông cáo về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
Tuyên bố chung của nhóm bộ trưởng tài chính APEC nhấn mạnh rằng thế giới cần vượt ra ngoài khuôn khổ nghị định thư Kyoto để có thể xác định vấn đề biến đổi khí hậu một cách xác đáng, đồng thời cảnh báo rằng sự bảo hộ ngành công nghiệp của các quốc gia sẽ đe doạ đến tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên bố cũng kêu gọi một chương trình hành động mạnh mẽ, cấp bách để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu mà không làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế.
Trong nhóm 21 thành viên của APEC có 2 nước có lượng khí nhà kính lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Cùng với Inđônêxia, hai quốc gia này sẽ nhanh chóng chiếm tới một nửa lượng khí thải ra của toàn cầu. Ôxtrâylia cũng nằm trong số các nước có mức gây ô nhiễmtính theo đầu người cao nhất. Tuy nhiên, chính Úc và Mỹ – hai nước công nghiệp hóa hoàn toàn – đã từng từ chối tham gia nghị định này viện lý do rằng chưa có sự công bằng khi nghị định không đề ra bắt buộc đối với các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Peter Costello, thủ quỹ của Thủ tướng Úc John Howard, nhận xét “Đây thực sự là một sự đột phá khi vấn đề về khí hậu được đưa vào chương trình nghị sự và việc tìm giải pháp được xem xét dựa trên sự kết hợp cả 3 yếu tố môi trường, kinh tế, năng lượng.”
Một tín hiệu đáng khuyến khích là Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp đối với vấn đề khí hậu mang tính kinh tế, chẳng hạn như chương trình buôn bán khí thải các bon.