Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, nhiều hồ chứa nước cạn đến nỗi trẻ em có thể đá bóng trên mặt hồ. Ở Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An), Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nước sinh hoạt được bán với giá 20.000-40.000 đồng/m3.
Trở về từ chuyến khảo sát tại miền Trung, ông Lê Năm – Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) nhận xét: 4 tỉnh nặng nhất của đợt hạn hán lần này là Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Khoảng 30.000ha đất canh tác khô kiệt, trong đó nhiều nhất là tại Nghệ an với 15.000ha.
Nếu trời không mưa, diện tích lúa cấy xuống sẽ là vô phương cứu chữa.
Đến thời điểm này, hầu hết các hồ, đập chứa nhỏ tại khu vực hạn hán đều bị cạn khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Năm cho rằng, diễn biến bất thường của thời tiết (mưa nhiều ở phía
Ở những nơi chỉ có các hồ chứa, công trình thuỷ lợi nhỏ hay công trình thuỷ lợi xuống cấp, thiếu nước lên tới đỉnh điểm, điển hình là các vùng bắc Nghệ An; Kẻ Gỗ, Con Cuông, Kỳ Anh, Anh Sơn (Hà Tĩnh), Bình Định…
Theo ông Năm, ngay từ đầu hè, việc tích nước tại nhiều hồ chứa nhỏ ở miền Trung chỉ đạt 50%, thậm chí 30% so với công suất thiết kế, trong khi nguồn nước bổ sung từ lũ tiểu mãn hồi tháng 04-05/2007 không đủ để bù đắp lượng nước sử dụng cũng như bốc hơi trong những đợt nắng nóng vượt 400C, kéo dài vừa qua. Mức nước cạn đến nỗi trẻ em có thể đá bóng trên mặt hồ. Chỉ ở các vùng có hồ chứa lớn, tình hình mới bớt căng thẳng.
Lo ngại nhất chính là nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân tại vùng khô hạn. Ông Năm cho biết, không chỉ nguồn nước mặt khan hiếm mà nước ngầm ở miền Trung cũng bị cạn kiệt. Một số địa phương đã phải tận dụng các nguồn để bơm nước vào hồ cho trên mực nước chết. Người dân ở Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An), Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã phải trả 20.000-40.000 đồng cho 1m3 nước sinh hoạt.
Có một thực tế lâu nay tồn tại ở các tỉnh miền Trung là sự xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng của hệ thống thủy lợi nhỏ do quá cũ, lạc hậu. Điều này dẫn đến tình trạng năng lực tưới tiêu vốn đã kém do thiếu nước, lại không thể sử dụng hợp lý, hiệu quả lượng nước đã tích được.
Nguyên nhân, theo ông Năm, một phần do các địa phương chưa thực sự chú trọng đầu tư, nâng cấp (khi đã được phân cấp), một phần do thiếu kinh phí.
Trước mắt, các biện pháp khẩn cấp đang được các địa phương triển khai là nạo vét kênh mương, tiết kiệm nước, điều tiết lại nguồn nước, hạn chế gieo cấy ở vùng khô cạn, tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân… Còn lại, cũng chỉ biết ngồi chờ… mưa. Ít nhất là đến tháng 8, tình hình này mới được cải thiện nếu không có những diễn biến bất thường khác của thời tiết.