Cả con đường bắt đầu từ Phình Hồ, ngược lên Làng Nhì, sâu hun hút vào Háng Tề Chơ thơm lừng mùi gỗ Pơ mu mới xẻ… Một trong những cái nôi cuối cùng của những cánh rừng Pơ mu ở Việt Nam đang ngày đêm bị xẻ thịt. Máu rừng Pơ mu vẫn đang chảy dữ dội trên những triền núi cao…
Hàng đoàn ngựa thồ rồng rắn kéo nhau qua những bờ vực sâu hun hút, trên lưng kĩu kịt những thớt gỗ pơmu. Hàng đoàn người Mông, người Thái, người Khơ Mú cúi rạp người đi bộ dưới cái nắng chang chang, oằn mình địu những súc gỗ pơmu còn tươi rói…
“Xẻ thịt” Tà Xùa
Chúng tôi bắt đầu đặt chân vào cung đường Phình Hồ – Làng Nhì – Háng Tề Chơ lúc 3h chiều, tầm “giờ vàng” như tay cai thầu gỗ ở Văn Chấn thông báo chắc nịch rằng có thể chứng kiến đại cảnh hàng trăm con ngựa thồ gỗ pơmu nối đuôi nhau trên con đường mòn độc đạo.
Trước khi lên đường, ông chủ cai gỗ dặn đi dặn lại qua điện thoại là hết sức cẩn trọng khi dùng máy ảnh, hãn hữu lắm mới được lôi ra sử dụng. Đồng thời, ông chủ cũng dặn dò kỹ càng cách nói chuyện và trả lời câu hỏi của đám cửu vạn và áp tải gỗ.
Chúng tôi luyện nhuần nhuyễn những câu trả lời kiểu như kỹ sư xây dựng, vào để thiết kế đường điện, quy hoạch làm cầu v.v…
“Nhỡ có chuyện gì xảy ra, khi bọn tôi vào được đến nơi thì các ông cũng mệt rồi, toàn là vách với vực ai biết đâu mà lần”, ông chủ cai gỗ lầu bầu nẹt cẩn thận, dù ông đã tốt bụng điều hẳn một “zích” thạo đường và thạo người nằm lẫn trong nhóm chúng tôi trong chuyến đi này…
Háng Tề Chơ được coi là bản tận cùng của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi được coi là trọng điểm tập kết của lâm tặc đi từ Yên Bái sang để “xẻ thịt” khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa rộng 1.600ha trải dài trên địa bàn huyện Phù Yên và Bắc Yên của tỉnh
Theo lời của “zích” Tiến, đây là tuyến đường liên xã và liên bản dễ đi và dễ vận chuyển gỗ nhất về xuôi. Từ Háng Tề Chơ, thông thường đám lâm tặc còn phải đi bộ gần 2 tiếng nữa mới lên được đến điểm tập kết.
Điểm tập kết gồm hơn chục lán trại của dân xẻ gỗ và cửu vạn gùi gỗ, ăn chực nằm chờ quanh năm suốt tháng, trừ những ngày mưa.
Đội ngũ lâm tặc ăn theo rừng pơmu này đủ các thành phần: các ông chủ người Kinh, người Thái, người Mông; thợ xẻ chủ yếu là người Thái; đội cửu vạn chuyên khuân gỗ từ rừng ra chủ yếu là người Mông và Khơ Mú… và đặc biệt là đội ngựa thồ gỗ đặc chủng chỉ người Mông mới có…
Gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua những con dốc chỉ có thể đi bằng số 1, chúng tôi đến trung tâm xã Phình Hồ, cửa ngõ con đường pơmu.
Trung tâm xã lèo tèo vài nóc nhà, nhưng quán xá thì khang trang, đầy ắp bia lon Đại Việt, bia chai Đông Á và những ánh mắt dò xét đám khách lạ.
Theo lời của “zích” Tiến, Phình Hồ là điểm cuối của cung vận chuyển khá công khai, tức là mọi người đều có thể nhìn thấy được, gỗ pơmu được khai thác trái phép từ rừng Tà Xùa.
Vượt qua trung tâm xã một đoạn, Tiến trỏ tay vào một con đường mòn nằm vắt phía sau trung tâm xã giải thích toàn bộ số ngựa thồ gỗ sẽ đi vòng vào con đường mòn tránh qua trung tâm xã này, rồi xuống khe, từ đó tiếp tục lên đường về Nghĩa Lộ hay Thanh Sơn, tuỳ theo yêu cầu của chủ gỗ.
Rời Phình Hồ, chúng tôi tiến vào xã Làng Nhì. Khi thấy một chiếc xe Win chở 3 xuất hiện phía trước, Tiến đánh mắt nhắc chúng tôi lưu ý mấy cái máy ảnh.
Sau khi quan sát kỹ càng chúng tôi, một thanh niên người Thái cất tiếng hỏi: “Các anh vào đây làm gì thế?”.
Đã được sự dặn dò của ông chủ gỗ, chúng tôi mau chóng hoàn thành bài “sát hạch”.
Khi chiếc xe Win đã phóng đi, Tiến hạ giọng giải thích đó là “zích tiền trạm” của đoàn ngựa thồ gỗ. “Chắc chắn leo dốc tầm 20 phút nữa là gặp đoàn cửu thôi”, Tiến quả quyết.
Quả nhiên, vượt qua ngoằn ngoèo mấy con dốc dựng đứng, chúng tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng khó hình dung nổi: Hàng chục con ngựa nối đuôi nhau, nặng trĩu trên lưng mỗi con là 2 súc gỗ pơmu đang còn tươi rói, tỏa mùi thơm vô cùng quyến rũ. Mỗi con ngựa thồ được áp tải bằng một cửu vạn đi bộ. Họ nhìn chúng tôi một cách rất thận trọng, nghi ngại và dè chừng.
Qua khỏi đoàn ngựa này, chỉ tầm chục phút sau là lại bắt gặp đoàn ngựa khác. Chúng tôi nhẩm tính, chỉ riêng chặng đường từ Phình Hồ lên đến Làng Nhì đã có tới hơn 100 con ngựa, tức là hơn 200 súc gỗ pơmu được vận chuyển.
Tiến cho biết, ngày cao điểm, ngoài số lượng tầm 150 con ngựa thồ được huy động chạy luân phiên 2 ca, còn có hàng chục phụ nữ người Mông và người Thái vác gỗ trên vai, mỗi người 1 súc đi bộ từ sáng sớm đến chiều từ Háng Tề Chơ ra đến tận Phình Hồ.
Chớp nhoáng với lâm tặc!
Một đêm ngủ lại Làng Nhì với lý do lấy sức để hôm sau vào Háng Tề Chơ ngắm thác đã giúp chúng tôi có được cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống của những cửu vạn đang sống bám vào những cánh rừng pơmu cuối cùng của đất Tây Bắc.
Pơmu ở Trạm Tấu đã bị khai thác bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng hồi đó chưa ào ạt và ác liệt như hiện nay bởi không cạnh tranh nổi với thuốc phiện. Cái quán chúng tôi nhờ làm cơm tối hoá ra lại của một người Kinh, thuở xưa đã từng oai trấn đất này. Sau khi hoàn thành xong cái án 9 năm về tội buôn bán trái phép chất ma tuý, chị lên đây làm lại cuộc đời bằng một cái quán nhỏ.
Theo lời chị, đã từng một thời vào những năm 90, chị là người phụ nữ đầu tiên đưa 30 cửu vạn vào Háng Tề Chơ để làm gỗ pơmu. Ngày xưa, chỉ cần từ bản hắt lên là đã thấy bạt ngàn là gỗ, nay thì phải chui vào tận rừng sâu, sang tận đất Sơn La để khai thác, đi bộ mất tới 2-3 ngày đường.
Phải rất khó khăn, chúng tôi mới tiếp cận được với một mã phu người Mông trong đội ngựa thồ gỗ.
Hằng ngày, nếu đi trọn vẹn 1 chuyến, anh nhận được 160.000đ tiền công cho 2 súc gỗ pơmu. Nếu chặng về anh chịu khó mua thêm bánh chưng, thuốc lá, trứng, gạo, rượu… bán lại cho đám cửu vạn hay những quán hàng ở trong Háng Tề Chơ thì thu nhập sẽ còn khá hơn. Anh cho biết hầu như những tháng này ngày nào cũng đi, có những ngày đi tới 2 chuyến.
“Đi thì mới có tiền mua lúa cho ngựa ăn chứ! Con ngựa này 5 triệu đồng cơ đấy, ở nhà thì lấy đâu ra tiền! Đi thì mới có tiền uống bia hộp chứ!”, người đàn ông Mông cười chân thành.
Khác với những cư dân bản địa ở đây chủ yếu làm nghề cửu vạn bằng ngựa, những người dân tộc Khơ Mú, vốn có sức khỏe và sự cần mẫn, lại chủ yếu làm nghề địu gỗ từ rừng xuống đến Háng Tề Chơ.
Hai cửu vạn người Khơ Mú mà chúng tôi trò chuyện nhà ở ngay dưới huyện Văn Chấn, nhưng đã lên đây đi làm được 2 năm. Công việc của họ là quấn một tấm áo mưa thành cái đệm bên hông thanh gỗ vừa xẻ ra, rồi vác chúng xuống địa điểm tập kết, trên những triền núi dốc đứng không có ngựa nào leo nổi.
Hai người đàn ông Thái ở Nghĩa Lộ lên đây làm nghề thợ xẻ, cũng như hai người Khơ Mú làm cửu vạn đều cho biết công việc tuy vất vả, thậm chí phạm pháp, nhưng thu nhập thực ra cũng không cao, chừng độ gần 2 triệu/tháng là đã mừng rồi.
Trong khu lán trại nằm sâu trong rừng, cái gì cũng đắt đỏ, cái gì cũng tăng giá gấp đôi, chẳng khác gì vùng vàng.
Một cái bánh chưng vào đó từ 1.000đ lên thành 2.000đ, một quả trứng từ 1.000đ cũng lên 2.000đ, một điếu Vinataba vào đó cũng thành 1.000đ… chưa kể đến những nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Nhưng chỉ có 1 thứ đặc biệt rẻ: thuốc phiện!
Anh thợ xẻ gỗ cho biết, trong đó thuốc phiện chỉ có giá 5.000đ/3 bi, còn rẻ hơn cả thuốc lá, thế nên số người hút nhiều lắm. “Mà đã hút cái này vào thì làm ra bao nhiêu tiền cũng đều cúng cho nó cả thôi, có nhiều người làm mà không mang về được đồng nào đâu”, anh ngao ngán lắc đầu…
Trên đường vào Háng Tề Chơ, con đường khúc khuỷu rộng chỉ vừa một thân ngựa cheo leo trên những sườn núi, chúng tôi cũng đã gặp một vài người Kinh từ Nghĩa Lộ lên “thăm bạn”. Đó là những chàng trai mắt lờ đờ, môi thâm sì, nói chuyện thì nước dãi cứ lòng thòng, đó là những cô gái môi cũng thâm sì, móng tay cáu bẩn, vóc dáng rã rời…
…Chỉ còn cách bản Háng Tề Chơ, thủ phủ của những câu chuyện pơmu và một ngọn thác đẹp nhất vùng, có 10 phút đi bộ, vì những lý do bất khả kháng, “zích” Tiến buộc chúng tôi phải quay ra Văn Chấn ngay để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Theo Tiến, có những thông tin lộ ra đã khiến người ta mang máng biết được chúng tôi là ai, và nếu vào và phải ngủ qua đêm ở Háng Tề Chơ thì thực sự nguy hiểm, một mình Tiến không thể đảm bảo nổi.
Chúng tôi ngậm ngùi quay ra, song hành cùng những đoàn ngựa thồ lắc lỉu pơmu trên lưng. Mùi pơmu quyến rũ tỏa khắp trên đường đi, và khó có thể hình dung rằng, từ trên đỉnh núi này chiếu xuống một khoảng ngắn thôi là thị tứ Ba Khe, nơi chỉ cách đây vài năm, trận lũ quét lịch sử đã cướp đi hàng chục sinh mạng vô tội.